Tại phiên giải trình chất vấn tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã báo cáo các vấn đề mà cử tri cả nước quan tâm về tình hình phát triển kinh tế-xã và đưa ra các giải pháp thực hiện. Các chuyên gia kinh tế đánh giá cao các giải pháp của Chính phủ và tin tưởng, nợ xấu, nợ công sẽ giải quyết được trong thời gian tới mặc dù trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn.

Theo dõi toàn bộ phiên giải trình chất vấn của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Minh Phong cho rằng, những số liệu cũng như các thông điệp và luận điểm mà thủ tướng đưa ra về vấn đề nợ công rất đáng chú ý. Đó là những áp lực về nợ công, nợ đọng, nợ xấu cũng như áp lực dư nợ tín dụng đang ở mức rất cao, sát với mức cho phép. Các biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng nợ công sẽ tạo niềm tin với cử tri cả nước.

tien_si_nguyen_minh_phong_qeqj.jpgChuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Minh Phong. (Ảnh: Internet)
Theo TS. Nguyễn Minh Phong, một trong những rủi ro có thể xảy ra trong năm 2016 là áp lực nợ công tiếp tục tăng lên. Những dự báo về an toàn nợ công trong thời gian tới phụ thuộc vào tốc độ tăng trưởng GDP, tình hình căng thẳng ở Biển Đông và những chi tiêu bất thường khác.

“Nếu tính về mức độ thỏa đáng cũng như các lập luận, điểm băn khoăn nêu trên thì cũng đạt khoảng 80-90%, còn tính khả thi thì tùy thuộc vào hiệu quả, hiệu lực của hoạt động quản lý Nhà nước cũng như các thông số về bối cảnh, những nhiệm vụ chi không đột ngột thay đổi. Nếu đã có những vấn đề căng thẳng mới đòi hỏi bắt buộc phải chi tiêu mới thì chúng ta buộc phải tăng nợ công và như vậy sẽ không loại trừ phương án phải tiếp tục nới trần nợ công”, TS. Nguyễn Minh Phong nhìn nhận.

Còn theo chuyên gia tài chính - ngân hàng TS. Nguyễn Trí Hiếu, hiện nay, nợ xấu đang ở mức 60,3% trong tổng số GDP và đến năm 2020 sẽ giảm xuống còn khoảng 60,2% GDP (quy định là không quá 65% GDP).  Thủ tướng kêu gọi các cơ quan, tổ chức kinh tế, ngân hàng hỗ trợ kéo nợ công xuống mức 3% trong 2015 và hy vọng ngành ngân hàng có thể kéo mức nợ xấu trong tổng số dư nợ không quá 3% trong năm này.

Chuyên gia tài chính - ngân hàng, TS. Nguyễn Trí Hiếu. (Ảnh: Internet)
Tuy nhiên, TS. Nguyễn Trí Hiếu hy vọng vẫn có thể đạt được cả hai chỉ tiêu đó, tức giữ nợ công không vượt quá 65% và giảm nợ xấu xuống 3% trong năm nay và những năm tới.

“Theo tôi nếu cộng tất cả nợ đã được tái cơ cấu và dùng các tiêu chí theo thông lệ quốc tế thì kéo nợ xấu của chúng ta xuống 3% trong năm tới là rất khó khăn, mặc dù là nó khả thi có thể, vì tại thời điểm này vấn đề nợ xấu trong ngành ngân hàng vẫn chưa được xử lý một cách rốt ráo. Ngay cả VAMC mới chỉ là bước đầu mua nợ từ các ngân hàng thương mại thôi, còn xử lý như thế nào thì chưa có kết quả như mong muốn. Thành ra vấn đề xử lý nợ xấu trong 2015 là một nhiệm vụ trọng yếu đồng thời cũng rất nan giải”, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định./.