Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng cho biết chiều nay (13/11), trong phiên Quốc hội thảo luận tại Hội trường về quy hoạch tổng thể về thủy điện.

Sau các ý kiến của đại biểu về nội dung này, đặc biệt là việc qui hoạch các thủy điện nhỏ, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cho rằng, “quy hoạch thủy điện, thủy điện nhỏ “đặc thù” hơn so với các loại quy hoạch khác và chủ yếu mang tính định hướng, mong muốn. Đây không phải là quy hoạch bất biến mà là quy hoạch động, mở nên thường xuyên phải được rà soát, để loại trừ những dự án không khả thi, bổ sung những dự án khả thi.

Theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, “từ năm 2006 trở lại đây, quy hoạch thủy điện nhỏ giao địa phương phê duyệt. Quá trình phê duyệt, các địa phương có tham khảo ý kiến các ngành, trong đó có Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhưng quyền quyết định là các địa phương. Trong tổng số các dự án thủy điện nhỏ đã được quy hoạch 65% các dự án thủy điện nhỏ do địa phương phê duyệt, Trung ương chỉ phê duyệt 35% dự án còn lại. Quy hoạch thủy điện trải qua nhiều thời kỳ là quy hoạch chung của cả nước, không phải quy hoạch riêng của Chính phủ, cũng không phải quy hoạch riêng của Bộ Công thương” – Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nói.

Trước ý kiến cho rằng, tại sao sau khi có Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ mới tiến hành việc rà soát quy hoạch thủy điện, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng khẳng định “không phải chờ đến khi Quốc hội có Nghị quyết mới rà soát mà do quy hoạch thủy điện là quy hoạch động, quy hoạch mở nên thường xuyên có sự rà soát để loại bỏ những dự án không mang tính khả thi. Tuy nhiên có Nghị quyết của Quốc hội thì điều kiện thuận lợi để phối hợp với địa phương, đẩy nhanh hơn tiến độ rà soát”.

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, “trong số hơn 424 dự án loại bỏ, có những dự án có tính khả thi, nhưng chỉ khả thi ở một mặt nào đó nên loại bỏ. Tổn thất đối với các dự án bị loại bỏ, trừ các dự án thủy điện Đồng Nai 6, Đồng Nai 6A còn lại hầu như không có chi phí đáng kể vì đang ở giai đoạn nghiên cứu thậm chí mới đặt ra trên quy hoạch”.

Phú Yên là một trong những địa phương có nhiều công trình thủy điện được xây dựng, đại biểu Nguyễn Thái Học (đoàn Phú Yên) cho biết, theo báo cáo của Chính phủ, thủy điện đã “lấy mất” 133.930 ha đất, 19.792 ha rừng, và phải di dời 44.557 hộ dân để tái định cư. Đây là những con số rất có ý nghĩa nói lên mặt trái khi đầu tư phát triển thủy điện.

“Trong một thời gian dài, chúng ta đã “quá đà” trong tập trung phát triển thủy điện trong khi công tác quản lý nhà nước về thủy điện càng ngày càng bộc lộ những tồn tại hạn chế bất cập nhưng chậm được khắc phục.Thực tế này dẫn đến hậu quả là đầu tư thủy điện trở thành phong trào thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia. Có quá nhiều dự án thủy điện được đưa vào quy hoạch. Nhiều nhà máy thủy điện được đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành nhưng không đảm bảo yêu cầu và chất lượng. Từ đó mặt hạn chế của thủy điện ngày càng bộc lộ rõ, càng bị khoét sâu dẫn đến bức xúc, phản ánh của người dân và chính quyền địa phương nơi triển khai thực hiện các dự án thủy điện” – Đại biểu Nguyễn Thái Học nói.

Theo phân tích của Đại biểu Nguyễn Thái Học, nguyên nhân của tình trạng kể trên một phần do sự buông lỏng, thiếu trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong quản lý nhà nước về thủy điện. Đại biểu bày tỏ sự nhất trí việc Quốc hội cần ban hành Nghị quyết về quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác công trình thủy điện nhưng trong nghị quyết phải giao Chính phủ làm rõ kiểm điểm của các cơ quan, người có thẩm quyền trong công tác lập, xây dựng quy hoạch thủy điện.

Ý kiến của ĐB Nguyễn Thái Học nhận được sự đồng tình của nhiều Đại biểu khác như Đại biểu Trương Văn Vở (Đồng Nai), Đại biểu Trần Xuân Vinh (Quảng Nam).

Chính phủ đã loại ra trên 400 dự án thủy điện, trong đó có 6 dự án thủy điện bậc thang và trong đó có 2 dự án Đồng Nai 6 và 6a. Theo một số đại biểu, Chính phủ cần làm rõ diện tích rừng để nhường cho các dự án thủy điện loại khỏi quy hoạch là bao nhiêu? Việc loại khỏi quy hoạch đó có mất rừng không và biện pháp thay thế số diện tích rừng mất đi như thế nào?/.