Trong số hàng nghìn ý kiến, kiến nghị cử tri gửi gắm các đại biểu Quốc hội kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII, có rất nhiều ý kiến băn khoăn trước tình trạng nông dân gặp khó khăn trong việc tiêu thụ nông sản.
Tình trạng “được mùa, mất giá” và ùn ứ hàng hóa trong tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp diễn ra nhiều năm nay, với nhiều mặt hàng nông sản như: gạo, dưa hấu, hành tây, vú sữa, hành tím, thanh long, vải thiều, cá tra…. Một trong những nguyên nhân chính là do nông nghiệp nước ta vẫn chủ yếu là sản xuất hộ cá thể, việc sản xuất còn theo phong trào, chưa gắn với quy hoạch sản xuất vùng và định hướng xuất khẩu theo nhu cầu và tính chất của thị trường.
Các cử tri đề nghị Chính phủ và các cơ quan chức năng có giải pháp hữu hiệu trong việc thực hiện quy hoạch sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ các hộ nông dân liên kết chuỗi giá trị đối với nông sản…
Cử tri Lê Đức Giáp, ở xã Cao Viên, huyện Thanh Oai, thành phố Hà Nội nêu ý kiến: “Mong muốn các cấp các ngành quan tâm đến nông dân nhiều hơn nữa. Người dân bây giờ muốn sản xuất ra các loại nông sản có đầu ra tiêu thụ ổn định thì nông dân mới yên tâm sản xuất và đầu tư vào nông nghiệp”.
Theo ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), với cơ chế tổ chức như hiện nay, thông tin, chỉ đạo thực hiện quy hoạch hay nói cách khác chế tài thực hiện quy hoạch chưa rõ ràng, nhất là trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương trong việc hướng dẫn nông dân thực hiện theo quy hoạch. Ngoài ra, sự phân cấp giữa hai Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Công Thương để một Bộ chuyên lo sản xuất và một bộ chuyên lo tiêu thụ, không gắn kết với nhau hoặc chưa được chặt chẽ dẫn đến "vênh" nhau trong trách nhiệm.
Theo ông Nguyễn Hữu Dũng, “quản lý Nhà nước về chuỗi sản xuất nông nghiệp vẫn phải do Bộ Nông nghiệp phụ trách. Khâu sản xuất và bán hàng phải được tập trung cho ngành nông nghiệp chứ như hiện nay ngành nông nghiệp sản xuất, ngành công thương lo bán hàng là không phù hợp. Đã đến lúc phải xem xét lại vấn đề này”./.