Tình trạng thủy sản nhập lậu mất kiểm soát, được bán tràn lan với giá rẻ gây khó khăn cho người nuôi thủy sản, đồng thời ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng trong nước. Kết quả kiểm tra mới đây cho thấy nhiều mẫu cá tầm, cá trê, cá quả nhập lậu có tồn dư kháng sinh và chất cấm sử dụng. Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân mới đây yêu cầu Bộ Công Thương phối hợp với các Bộ ngành chức năng lập Đề án phòng chống thủy sản nhập lậu trình Chính phủ thông qua vào tháng 10 năm nay.
Phóng viên VOV phỏng vấn ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về vấn đề này.
PV: Thưa ông, vừa có một đợt kiểm tra các mẫu thủy sản nhập lậu. Ông có thể cho biết có gì đáng quan tâm?
Ông Nguyễn Như Tiệp: Qua kiểm tra, chúng tôi phát hiện 1/10 mẫu cá tầm nhiễm chất Malachite Green, 1 mẫu cá quả nhiễm chất NitroFurans, và 2 mẫu cá trê: 1 mẫu nhiễm NitroFurans, 1 mẫu nhiễm Malachite Green. Tỷ lệ này cao, đặc biệt là cá trê có 2/10 mẫu nhiễm chất cấm. Thực trạng các sản phẩm bán ở chợ đầu mối cũng như ở các chợ dân sinh hiện nay không xác định được nguồn gốc xuất xứ; tiểu thương nói là sản xuất trong nước như ở Bắc Giang, Hưng Yên, Lai Châu và một số tỉnh khác, nhưng khi hỏi hóa đơn, chứng nhận thì không có. Đây là vấn đề đặt ra đối với cơ quan quản lý Nhà nước cần phải có biện pháp quản lý.
PV: Những chất cấm được phát hiện có ảnh hưởng như thế nào đối với sức khỏe người tiêu dùng, thưa ông?
Ông Nguyễn Như Tiệp: 2 chất cấm NitroFurans, và Malachite Green được Ủy ban thực phẩm quốc tế Codex đánh giá và khuyến nghị không nên tiếp tục sử dụng trong nuôi trồng thủy sản bởi những tác hại của nó đến sức khỏe người tiêu dùng. Nếu sử dụng liên tục với những sản phẩm thủy sản có tồn dư chất này thì có thể tích tụ trong gan, thận và có thể gây những bệnh nan y. Tại Việt Nam, từ năm 2005, 2 chất này đã được Bộ Thủy sản lúc đó cấm không cho phép sử dụng trong nuôi trồng thủy sản.
PV: Dư luận cho rằng, để tình trạng cá tầm nhập lậu tràn lan như vừa qua là do có sự chồng chéo về quản lý Nhà nước giữa các Bộ, ngành chức năng. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Ông Nguyễn Như Tiệp: Thực ra không có sự chồng chéo, bởi theo Nghị định 38 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm thì Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được giao quản lý kiểm soát đảm bảo an toàn nông sản thực phẩm đến chợ đầu mối, chợ nông sản, còn ở siêu thị các cửa hàng chợ dân sinh cửa hàng bán lẻ là thuộc phạm vi của Bộ Công Thương. Nếu đảm bảo an toàn thực phẩm tại nhà hàng, khách sạn bếp ăn tập thể thì thuộc Bộ Y tế.
Tuy nhiên, trên thực tế quan trọng nhất là sự phối hợp liên ngành. Chứ cụ thể đến mấy mà không có phối hợp liên ngành cũng không có hiệu quả.
PV: Được biết, Cục đang phối hợp với các Bộ, ngành liên quan để xây dựng Đề án phòng chống thủy sản nhập lậu. Vậy dưới góc độ chuyên môn, ông có đề xuất gì để ngăn chặn hiệu quả tình trạng nhập lậu thủy sản như vừa qua?
Ông Nguyễn Như Tiệp: Tại cuộc họp sơ kết của Ban chỉ đạo liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân giao cho Bộ Công Thương chủ trì cùng với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng Đề án phòng chống các loại thủy sản nhập lậu trình Chính phủ thông qua tháng 10 năm nay.
Dưới góc độ chuyên môn, chúng tôi đề xuất Bộ Công Thương tăng cường phối hợp kiểm soát khâu lưu thông và phối hợp với ngành nông nghiệp kiểm soát các sản phẩm thủy sản khi đưa ra thị trường phải có nguồn gốc rõ ràng. Đề nghị các Trạm kiểm dịch thú y tăng cường kiểm tra, kiểm dịch biên giới phối hợp với các ban ngành ở biên giới ngăn chặn thủy sản nhập lậu.
Về lâu dài, Tổng cục Thủy sản cần có chính sách hỗ trợ lĩnh vực nuôi trồng thủy sản nước ngọt, một trong những nguyên nhân tình trạng nhập lậu cá tầm, cá quả, cá trê vừa qua là do nhu cầu trong nước cao hơn so với nguồn cung. Do lợi nhuận nên có tình trạng doanh nghiệp nhập lậu để trốn thuế và trốn luôn cả kiểm dịch vì vậy nếu chúng ta có chính sách khuyến khích để nuôi cá tầm trong nước đặc biệt là thủy sản nước lạnh khi đó nguồn cung sẽ tăng, mất cân đối cung cầu sẽ giảm đi thì rõ ràng sẽ giảm sức ép về kiểm soát nhập lậu./.
PV: Xin cảm ơn ông!