Đã có rất nhiều ý kiến dư luận xung quanh câu chuyện cải tạo, sửa chữa, thậm chí có ý kiến phá đi xây mới cầu Long Biên trong thời gian vừa qua. Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) khẳng định, quan điểm của Bộ là xây mới một cây cầu song song với cầu Long Biên và bảo tồn nguyên trạng cầu Long Biên cũ.

Để có câu trả lời thỏa đáng về vấn đề này, phóng viên VOV đã phỏng vấn ông Nguyễn Ngọc Đông, Thứ trưởng Bộ GTVT.

PV: Xin ông cho biết cụ thể về thực trạng cầu Long Biên hiện nay như thế nào? Bộ GTVT đã có đề xuất gì với Chính phủ cũng như TP Hà Nội để có giải pháp khắc phục tình trạng này?     

Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông: Trải qua hơn 100 năm, do tác động của giao thông đi lại, do tác động của chiến tranh và bị bom đạn nhiều lần, hiện tại chúng tôi đánh giá là cầu Long Biên đã bị xuống cấp nghiêm trọng.

images698390_anh_mr_dong.jpg
Thứ trưởng Bộ GTVT
Nguyễn Ngọc Đông
Trong quá trình khai thác, sử dụng, ngành đường sắt đã duy tu, sửa chữa rất nhiều lần và gần đây, Bộ GTVT đã giao cho tổng công ty đường sắt lập dự án về sửa chữa cây cầu này. Sửa chữa là để duy trì, để đảm bảo làm sao cho cầu không bị hỏng, bị xuống cấp hơn nữa và vẫn duy trì được tuyến đường sắt chạy qua. Tuy nhiên, dự án đang lập thì lại chưa có nguồn vốn.

PV: Thời gian vừa qua, Bộ GTVT đã đưa ra một số phương án để bảo tồn cầu Long Biên và các phương án này cũng đã nhận được rất nhiều ý kiến, đặc biệt là của các chuyên gia trong lĩnh vực di sản văn hóa, lịch sử và kiến trúc. Họ không đồng tình với những phương án này. Vậy, trước khi đưa ra các phương án này, Bộ GTVT đã nghiên cứu và tham khảo ý kiến của các chuyên gia trong lĩnh vực này hay chưa?

Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông: Cho đến nay chúng tôi tổng hợp lại và so sánh khoảng 8 phương án, trong đó có 4 phương án là không đi vào cầu cũ, 4 phương án nghiên cứu trong trường hợp là đi trùng với cầu cũ.

Hiện tại, UBND thành phố Hà Nội, Bộ Xây dựng và Bộ GTVT đang trao đổi, thảo luận tất cả các phương án này. Nhưng chúng tôi vẫn đề nghị, ngay từ khi nghiên cứu đến giờ là xây dựng một cây cầu mới tách hoàn toàn khỏi cây cầu cũ với khoảng các từ 30 mét trở ra và đây là khả thi, vì tiến độ dự án này đang cần có quyết định sớm.

PV: Có rất nhiều người băn khoăn cho rằng, nếu xây 1 cây cầu mới bên cạnh cầu Long Biên, trong khi ngay gần đó chúng ta đã có cầu Chương Dương. Như vậy chúng ta có phá vỡ khoảng cánh không gian khu vực này hay không?

Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông: Chúng tôi cũng đã nghiên cứu các phương án khoảng cách từ trên 100 mét, đến trên 200 mét, tuy nhiên, tất cả các nghiên cứu đó khi so sánh về kinh tế, kỹ thuật cũng như vấn đề ảnh hưởng lẫn nhau về kiến trúc này khác thì cũng đều xác định là không thể xa hơn được nữa.

Lý do là đối với tuyến đường sắt này đã được hoạch định thì nó có tầm ảnh hưởng nhất định, nếu ta dịch xa nhiều quá thì lại trùng với tuyến đường sắt khác, vì chúng ta có tuyến đường sắt số 2 ở gần cầu Nhật Tân, nếu ta dịch lên nữa thì sẽ ảnh hưởng đến chuyện đi lại mà theo quy hoạch đã hoạch định.

Thứ 2 là nếu ta dịch xuống dưới nữa thì cũng lại ảnh hưởng đến phương án khác về tổ chức giao thông. Vấn đề đặt ra là chúng ta phải tìm vị trí nào xung quanh khu vực này và nó ảnh hưởng ít nhất đến việc bảo tồn cũng như hình ảnh, kiến trúc của cây cầu Long Biên cũ.

PV:
Theo ông thì phương án nào là phương án mà Bộ GTVT tải đánh giá là có tính khả thi cao nhất?

Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông: Phương án Bộ GTVT đã nghiên cứu trước kia và đưa ra phương án là không đi trùng với cầu cũ, cầu hiện tại, phương án đã kiến nghị và đã được duyệt dự án khả thi từ năm 2009. Đó là phương án xây cầu mới đi ở phía thượng lưu của cầu hiện hữu, các cầu cũ khoảng 30m.

Tuy nhiên, sau đó có những ý kiến của các cơ quan cũng như một số chuyên gia là nếu làm cầu mới gần như vậy thì nó có ảnh hưởng nhất định đến kiến trúc cầu cũ. Sau đó theo đề nghị của các cơ quan, đặc biệt là của Hà Nội thì có nghiên cứu tiếp các phương án là làm cầu mới cách cách cầu cũ về phía thượng lưu từ 200-300 mét, Bộ GTVT đang nghiên cứu. Như vậy, có 4 phương án làm cầu mới các cầu cũ trong phạm vi từ 200 mét trở ra.

PV: Thời gian tới, Bộ GTVT có định phối hợp với UBND thành phố Hà Nội về tổ chức cuộc hội thảo khoa học, tổ chức trưng bày lấy ý kiến về các giải pháp trong việc xây dựng cầu Long Biên này hay không?

Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông: Chúng tôi đã tổng hợp tất cả các phương án nghiên cứu sau khi có buổi làm việc gần đây thì đã thống nhất là có bổ sung thêm một số tính toán và so sánh, chúng tôi cũng đã tổng hợp lại và gửi sang các cơ quan, trong đó có Hà Nội, Bộ Xây dựng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để có tổng hợp thêm ý kiến.

Theo yêu cầu của Chính phủ, hiện tại Chính phủ đang giao cho Hà Nội để chủ trì cùng với Bộ GTVT, Bộ Xây dựng chọn 1 phương án có nhiều ưu điểm nhất và báo cáo lên Thủ tướng chính phủ trước khi phê duyệt dự án./.

PV: Xin cảm ơn ông./.