Ông Vũ Anh Minh, Phó vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp, Bộ GTVT, cho rằng với những cảng này, Vinalines không nhất thiết phải nắm giữ tỷ lệ chi phối, phải giảm nguồn lực thì mới có tiền để đầu tư những cảng lớn.
Theo Đề án phát triển hệ thống cảng biển của Vinalines, Tổng công ty này muốn giữ tỷ lệ chi phối ở cảng Hải Phòng với tỷ lệ 51 – 65%; cảng Vinalines Đình Vũ, Đà Nẵng, Cần Thơ là 51%; cảng Nghệ Tĩnh, Cam Ranh, Sài Gòn, SMIT, SSIT là dưới 50%; cảng CPI, SP-PSA, Khuyến Lương, Năm Căn thoái vốn toàn bộ.
Ông Minh cho biết, hiện bộ đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép thoái toàn bộ vốn tại cảng Nghệ Tĩnh, chỉ nắm giữ 20% vốn điều lệ tại cảng Hải Phòng, Sài Gòn.
“Vinalines nên giảm tỷ lệ chi phối ở cảng nhỏ, tập trung ở những cảng lớn nhằm duy trị vị thế doanh nghiệp nòng cốt trong lĩnh vực này. Do vậy, Vinalines nên thực hiện thoái vốn tại các cảng đang nắm giữ, huy động nguồn lực các thành phần kinh tế xã hội, tập trung đầu tư cho các cảng cửa ngõ quốc tế phù hợp với quy hoạch phát triển cảng biển đã đươc phê duyệt”, ông Minh phân tích.
Theo ông Minh, hiện Vinalines nên tập trung đầu tư vào cảng Cái Mép Thị Vải, cảng Lạch Huyện, cảng Vân Phong (nếu tìm kiếm được nhà đầu tư)… Đây là những cảng lớn có vai trò then chốt.
Cảng Hải Phòng đang là cuộc đua giữa Tập đoàn Vingroup với một quỹ đầu tư nước ngoài đến từ Oman. Sau khi đối tác ngoại cơ bản nhận được sự đồng thuận của các bộ về việc mua lại gần 30% vốn Nhà nước tại đây, Vingroup cũng đề xuất mua với tỷ lệ lên đến 80%.
Cảng Hải Phòng hiện đang là chủ đầu tư của cảng Lạch Huyện. Trong trường hợp Vinalines phải thoái hết vốn tại cảng Hải Phòng thì chuyển Vinalines trực tiếp làm chủ đầu tư.
Tại khu vực Lạch Huyện sẽ đầu tư 6 bến container và tổng hợp tiếp nhận tào đến 8.000 TEUs (50.000 – 100.000 DWT) với tổng chiều dài bên khoảng 2.250m. Dự kiến, cảng Lạch Huyện sẽ bắt đầu triển khai từ năm 2017 và đưa vào khai thác từ năm 2020 với tổng kinh phí trong giai đoan 2016 - 2020 khoảng 1.860 tỷ đồng.
Vinalines cũng đã có kế hoạch thoái hết vốn tại cảng Quảng Ninh, hiện Tập đoàn T&T đang muốn mua lại 100% cổ phần cảng này. Theo kế hoạch, cảng Quảng Ninh sẽ là chủ đầu tư dự án đầu tư các bên 8,9 cảng Cái Lân với khả năng tiếp nhận tàu đến 40.000 DWT.
Tuy nhiên, Vinalines định thoái hết vốn tại cảng này nên chủ đầu tư sẽ chuyển lại cho tổng công ty này để tập trung khai thác hàng hàng rời cho tàu cỡ lớn nhằm đáp ứng nhu cầu ở khu vực phía Bắc theo xu hướng dịch huyển loại hàng này từ Hải Phòng ra Quảng Ninh hiện nay.
Trong lần trả lời BizLIVE mới đây, Thứ trưởng bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường, cho biết cảng Hải Phòng đang tiến hành cổ phần hóa và thoái vốn với phương châm Nhà nước không nắm giữ tỷ lệ chi phối.
“Bộ đang kiến nghị với Chính phủ về việc sử dụng vốn cổ phần hóa và thoái vốn của một số cảng như cảng Hải Phòng, cảng Sài Gòn, cảng Quy Nhơn, cảng Cửa Lò… để bổ sung vốn cho tổng công ty mẹ Vinalines nhằm giải quyết vấn đề tài chính để tiến hành cổ phần hóa thuận lợi”, thứ trưởng Trường cho biết.
Theo thứ trưởng Trường, đối với Vinalines, hiện bộ đang trình Chính phủ theo hướng nhà nước nắm giữ 36% vốn điều lệ, bán 0,25% cho cán bộ nhân viên và tổ chức công đoàn, 33,75% bán ra bên ngoài và 30% bán cho cổ đông chiến lược. Hiện Vinalines đang đàm phán với các nhà đầu tư để lựa chọn được cổ đông chiến lược./.