Dự án BOT cầu Việt Trì mới, hay còn gọi là cầu Hạc Trì (TP Việt Trì, Phú Thọ) thông xe từ tháng 7/2015. Chỉ sau một thời gian ngắn đi vào hoạt động, Dự án này đã cho thấy những hệ lụy bởi khi thực hiện chưa được nghiên cứu, thẩm định, tính toán kỹ.

Tại Quyết định số 2932, Bộ GTVT tải phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng cầu Việt Trì mới đã ghi rõ: Xây dựng cầu Việt Trì mới vượt sông Lô đảm bảo điều kiện thuận lợi về giao thông nhằm phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, để Việt Trì trở thành đô thị loại 1, góp phần giảm ùn tắc giao thông trên cầu Việt Trì cũ.

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường, dự án BOT phải hài hòa 3 lợi ích. Thứ nhất, phải đảm bảo thu hồi vốn cho nhà đầu tư. Thứ hai, sức chịu đựng của nền kinh tế, cụ thể của doanh nghiệp và người dân khi đi trên đường  BOT. Thứ ba là phải đảm bảo thu hồi vốn ngân hàng.

Tuy nhiên, khi Dự án BOT cầu Việt Trì hoàn thành, đưa vào sử dụng đã cho thấy nhiều bất cập. Đỉnh điểm xung đột lợi ích là ngày 2/3/2016, Tổng cục Đường bộ cho phép đặt trụ bê tông chắn tại hai đường dẫn lên cầu Việt Trì cũ, với lý do cầu yếu không an toàn. Tất cả xe ô tô phải qua cầu Hạc Trì với mức phí thấp nhất là 35.000 đồng/lượt xe dưới 12 chỗ, cao nhất là 180.000 đồng/lượt từ 18 tấn trở lên.

Lý do này chưa thực sự thỏa đáng vì cầu Việt Trì được đưa vào sử dụng từ năm 1992 và vừa được nâng cấp, sửa chữa vào năm 2013, mỗi ngày vẫn có hàng chục chuyến tàu hỏa với tải trọng cả nghìn tấn qua lại. Như vậy, mục đích của việc làm này là buộc tất cả ô tô phải đi qua cầu Hạc Trì để chống thất thu, hoàn vốn cho Dự án. Trong khi đó, theo các quy định về đảm bảo an toàn giao thông, việc cho đặt trụ bê tông giữa đường cấm xe ô tô sẽ gây nguy hiểm cho các phương tiện khác qua lại.

ht1_kbpw.jpg
Mỗi ngày Công ty Cổ phần BOT cầu Việt Trì chỉ thu được khoảng 100 triệu đồng phí qua cầu Hạc Trì.
Ông Vũ Ngọc Lăng, Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông, Tổng cục Đường bộ Việt Nam lý giải, từ 3 tháng trước Cục đường bộ đã cho đặt biển báo kết hợp với tuần tra, kiểm soát. Tuy nhiên, để đỡ mất thời gian công sức cho lực lượng công an nên đơn vị này đã dùng biện pháp cưỡng chế đặt trụ, nhưng đảm bảo khoảng cách an toàn cho phương tiện xe máy qua lại.

Điều đáng nói là khi cấm ô tô đi qua cầu Việt Trì cũ, nhiều doanh nghiệp, nhà hàng, thậm chí xưởng đóng tàu ở xung quanh khu vực 2 đầu cầu Việt Trì đều bị ảnh hưởng đến việc làm ăn và chắc sẽ phải chuyển đi nơi khác. Sau khi người dân phường Bạch Hạc phản đối quyết liệt, Ban Quản lý Dự án BOT cầu Việt Trì có phương án giảm 80% tiền phí qua cầu mới Hạc Trì cho người dân có ô tô dưới 7 chỗ và đồng thời giảm 60% cho người dân ở xã Sông Lô và thành phố Việt Trì. Tuy nhiên, hiện tại đa số người dân vẫn chưa đồng tình với cách giải quyết này. Nguyên nhân là đường đi lại hàng ngày sẽ phải vòng xa hơn 3,5 km.

Ông Nguyễn Đắc Hùng, ở tổ 4, phố Phong Châu, phường Bạch Hạc cho biết, từ ngày có cầu Hạc Trì, bà con đi lại vất vả thêm, bus đưa đón học sinh phải đi xa thêm mấy km nên xét về hiệu quả kinh tế - xã hội là không đạt. “Nhà tôi có xe 16 chỗ thường xuyên qua cầu nhưng không được giảm giá vé vì chỉ xe 9 chỗ trở xuống mới được giảm giá”, ông Hùng cho biết.  

Rõ ràng, mục tiêu của Dự án BOT Hạc Trì chưa đạt được yêu cầu. Lẽ ra sẽ tạo điều kiện thuận lợi về giao thông, phát triển kinh tế, xã hội, làm giảm ùn tắc giao thông, phát huy hiệu quả sử dụng khi có sự kết hợp cùng lúc của 2 cây cầu cũ và mới, nhưng hiện tại dự án đang làm giảm giá trị sử dụng của một cây cầu. Chưa tính đến việc khi thực hiện cấm ô tô ở cầu Việt Trì cũ sẽ dẫn đến ùn tắc giao thông tại Trạm thu phí cầu Hạc Trì mới.

Cầu Hạc Trì có chi phí xây dựng trên 1.100 tỷ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng và các chi phí khác khoảng 200 tỷ đồng; chi phí dự phòng và lãi vay tạm tính lên tới trên 600 tỷ đồng (gần bằng 1/3 của cả dự án). Đến nay, Dự án này vẫn chưa trả nốt 5 tỷ đồng tiền đền bù giải phóng mặt bằng cho người dân nên chưa được quyết toán công trình nhưng vẫn tổ chức thu phí.

Ông Vũ Ngọc Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần BOT cầu Việt Trì cho biết, mức phí qua cầu Hạc Trì do Bộ Tài chính quy định. Hiện nay con số quyết toán cũng đang tạm tính vào khoảng 1.900 tỷ đồng nhưng chưa xong vì đang hoàn tất hồ sơ để báo cáo.

Dư luận có quyền đặt câu hỏi: Trước khi triển khai Dự án này theo hình thức BOT chủ đầu tư đã tính toán đến hiệu quả kinh tế, quyền lợi của người dân và lợi ích của doanh nghiệp hay không? Bởi, thực tế cho thấy, các trạm thu phí trên tuyến Quốc lộ 2 đã ảnh hưởng tới giá cước vận tải, vô hình chung cô lập phát triển kinh tế vùng, đặc biệt là thành phố Việt Trì. Hiện nay, từ Hà Nội đến Việt Trì, quãng đường chỉ khoảng 80 km, nhưng xe ô tô tải phải mất tới 380.000 đồng cho 3 trạm thu phí cầu đường (trong đó có 2 trạm BOT).

Quyết định phê duyệt Dự án BOT cầu Việt Trì ghi rõ: Nhà đầu tư huy động vốn chủ sở hữu và vốn vay để thực hiện đầu tư xây dựng Dự án, thu hồi vốn thông qua thu phí.  Theo đó, mức đầu tư của Dự án BOT cầu Việt Trì mới khoảng 1.900 tỷ đồng, thời gian thu phí hoàn vốn 18 năm 7 tháng và phải đạt doanh thu 300 triệu đồng/ngày.

Thế nhưng, tại thời điểm hiện nay Công ty Cổ phần BOT cầu Việt Trì chỉ thu được khoảng 100 triệu đồng/ngày vì các phương tiện đã chuyển hướng đi theo đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai. Do đó, với mức thu như hiện nay chỉ khoảng 36 tỷ đồng/năm thì phải mất hơn 50 năm Dự án BOT này mới thu đủ vốn. Trong khi đó, đến đầu năm 2017 khi Dự án BOT cầu Việt Trì – Ba Vì thông xe, rút ngắn khoảng cách Hà Nội với Việt Trì đến 20 km, thì việc thu phí của cả hai Dự án BOT này tại Việt Trì sẽ càng gặp nhiều khó khăn hơn./.