Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận vừa có công văn gửi đến Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên - Môi trường và Bộ Công thương giải trình, kiến nghị về đề xuất điều chỉnh Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và dự trữ quặng titan. Bình Thuận xin đưa hơn 25.000 ha đất ven biển ra khỏi quy hoạch titan
Bàu trắng - Đồi Trinh Nữ (huyện Bắc Bình, Bình Thuận) là một trong những khu vực được đề xuất đưa ra khỏi quy hoạch khu vực dự trữ quặng titan. |
Trước đó, trong Tờ trình phê duyệt khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia đối với khoáng sản titan vào ngày 23/7, Bộ Tài nguyên và Môi trường trình Thủ tướng Chính phủ giữ nguyên 6 khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia trên địa bàn tỉnh Bình Thuận với diện tích 82.500 ha. Thời gian dự trữ khoáng sản titan đến năm 2050. Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng chưa có ý kiến về việc cho phép triển khai 49 dự án trong khu vực dự trữ theo đề xuất của UBND tỉnh Bình Thuận.
Theo UBND tỉnh Bình Thuận, khu vực ven biển tỉnh này có nhiều địa danh, điểm du lịch nổi tiếng cả nước và thế giới. Trước khi có Quyết định số 645 ngày 06/5/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt khu vực dự trữ quặng titan, khu vực này có nhiều nhà đầu tư đăng ký đầu tư, nhưng hiện nay chưa thể chấp thuận.
Để sử dụng có hiệu quả đất đai phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội địa phương, phát huy hiệu quả các trục đường ven biển cũng như mục tiêu hình thành Trung tâm Du lịch – Thể thao biển mang tầm quốc gia, UBND tỉnh Bình Thuận xin đưa một số khu vực ven biển ra khỏi khu vực dự trữ quặng titan.
Đó là: Khu đô thị du lịch Cổ Thạch – Bình Thạnh, xã Bình Thạnh, huyện Tuy Phong (2.907 ha); Khu vực hai bên trục đường Hòa Thắng – Hòa Phú, hồ nước Bàu Trắng, đồi cát bay Trinh nữ và khu đô thị ven biển xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình và xã Hòa Phú, huyện Tuy Phong (19.060 ha); Khu vực Quy hoạch phát triển du lịch ven biển Hàm Tiến – Mũi Né, hai bên trục đường 706B và sân bay Phan Thiết (3.521 ha).
Theo dự thảo Quyết định điều chỉnh của Bộ Tài nguyên và Môi trường, thời gian dự trữ khoáng sản titan đến năm 2050. Tuy nhiên, thời gian dự trữ từ nay đến năm 2050 là 32 năm thì không đảm bảo đủ thời gian hoạt động, vòng đời các dự án phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn trong khu vực dự trữ khoáng sản, không đáp ứng được thời gian chấp thuận đầu tư của các dự án từ 50 - 70 năm theo Luật Đầu tư, Luật Đất đai. Do đó, tỉnh Bình Thuận đề nghị điều chỉnh thời gian dự trữ khoáng sản titan quốc gia đến năm 2070 hoặc xa hơn đến năm 2090.
Trong thời gian rà soát khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường báo cáo Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho Bình Thuận trước mắt được chấp thuận 49 dự án trong khu vực dự trữ khoáng sản quặng titan phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội địa phương, Quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch ngành và danh mục các dự án kêu gọi, xúc tiến đầu tư./.
Xe chở titan lao vào nhà dân, gây tai nạn kinh hoàng ở Bình Thuận
Xe chở titan cày nát đường, dân quanh năm “hít” bụi