Chiều nay (30/11), thêm một chiếc tàu cá đánh bắt xa bờ đóng bằng nguồn vốn vay theo Nghị định 67 của Chính phủ đã được hạ thủy tại bến đóng tàu thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận. Đây là tàu cá vỏ gỗ có công suất lớn nhất tỉnh Bình Thuận nhờ nguồn vốn ưu đãi này.

ha_thuy_1_ppuc.jpg
Con tàu công suất 823 CV của ông Nguyễn Tấn Nguyên có tổng mức đầu tư hơn 13 tỷ đồng.

Tàu BTh 98289 TS được hạ thủy thành công là của ông Nguyễn Tấn Nguyên, ngư dân phường Bình Tân, thị xã La Gi. Tàu vỏ gỗ có công suất 823 CV (mã lực) sử dụng máy thủy Nhật Bản mới hoàn toàn, thiết kế hiện đại chuyên hành nghề mành chụp trên các vùng biển xa.

Con tàu có tổng mức đầu tư hơn 13 tỷ đồng, trong đó 70% là nguồn vốn vay theo Nghị định 67, còn lại 30% là vốn đối ứng của gia đình.  

Sau khi hạ thủy, tàu sẽ vươn khơi đánh bắt xa bờ với 12 lao động.

Ngư dân Nguyễn Tấn Nguyên (La Gi, Bình Thuận) trên con tàu mới hạ thủy.

Chủ tàu Nguyễn Tấn Nguyên chia sẻ: “Hy vọng và nguyện vọng của tôi là làm ăn đạt yêu cầu. Trước kia, cha ông tôi làm nghề biển, bây giờ tôi nối gót và kể cả con tôi cũng làm nghề biển. Có Nghị định 67, tôi làm đơn vay. Nhà nước, Chính phủ và các ban ngành đã cho tôi vay được để tôi làm con tàu này, mô hình mới này để tiếp tục ra khơi đánh bắt và bảo vệ biển đảo quê hương”.

Tàu BTh 98289 TS mới hoàn tất và hạ thủy vào chiều  30/11/2016.

Bình Thuận hiện là địa phương đi đầu cả nước về cho vay đóng tàu mới theo Nghị định 67. Đến nay, toàn tỉnh có 67 hồ sơ đăng ký đã được ngân hàng ký hợp đồng tín dụng cam kết cho vay hơn 446 tỷ đồng, trong đó đã giải ngân hơn 403 tỷ đồng. 56 chiếc đóng mới (gồm 54 tàu vỏ gỗ và 2 tàu vỏ thép) đã hoàn thành đi vào hoạt động./.