Theo Bộ Công Thương, hiện nay nguồn cung hàng hoá trên thị trường khá dồi dào, hầu hết địa phương và doanh nghiệp chuẩn bị đủ nguồn hàng để tham gia bình ổn thị trường Tết, đặc biệt là những mặt hàng thiết yếu, nên sẽ không xảy ra tình trạng sốt hàng, sốt giá trong dịp Tết Canh Dần.
Riêng tại các địa phương, Sở Công Thương chỉ đạo các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh hàng hoá chuẩn bị tốt nguồn hàng; tổ chức mạng lưới bán hàng rộng khắp, nhằm phục vụ nhu cầu mua sắm của nhân dân, đặc biệt là ở những vùng sâu, vùng xa, vùng bị bão lũ. Các Sở, ban, ngành chức năng hỗ trợ doanh nghiệp vốn vay mua hàng Tết và theo dõi sát việc chuẩn bị nguồn hàng, có kế hoạch tổ chức các hoạt động phục vụ Tết, tăng cường công tác quản lý thị trường, công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống cháy nổ, an ninh xã hội và trật tự đô thị.
Đến nay đã có nhiều địa phương thực hiện việc hỗ trợ lãi suất cho vay cho các đơn vị được giao nhiệm vụ sản xuất, chế biến và tổ chức dự trữ hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết. Trong đó, Hà Nội hỗ trợ 250 tỷ đồng; Thái Nguyên hỗ trợ 14 tỷ đồng; Ninh Bình: 22 tỷ đồng; TP.Hồ Chí Minh hỗ trợ hơn 422 tỷ đồng; Bình Dương hỗ trợ 40 tỷ đồng...
** Càng gần đến Tết vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm càng được các phương tiện thông tin đại chúng cảnh báo nhiều hơn, với mức độ gay gắt hơn. Chưa bao giờ lại có nhiều vụ sản xuất, lưu thông và sử dụng thực phẩm độc hại không đảm bảo chất lượng được phát hiện nhiều như thời gian gần đây. Hàng trăm vụ vận chuyển nội tạng động vật thối rữa bị phát hiện và tiêu huỷ; rồi hạt dưa có tẩm ướp chất độc hại, mứt Tết thì có dòi, mỡ động vật ôi thiu được tái chế để bán cho các nhà hàng, rượu trưng cất thủ công có chất độc gây chết người…
Theo một thống kê mới đây của Tổ chức Y tế Thế giới, mỗi năm có khoảng 8 triệu người Việt Nam bị ngộ độc và tiêu chảy do ăn uống mà nguyên nhân xuất phát từ những loại thức ăn không đảm bảo vệ sinh. Trong khi đó, hiệu lực quản lý về vệ sinh an toàn thực phẩm ở nước ta lại rất thấp.
Để ngăn chặn triệt để hơn tình trạng lưu thông, chế biến và tiêu thụ thực phẩm không an toàn, kém chất lượng, Giáo sư-Tiến sĩ Phan Thị Kim, Phó Chủ tịch Hội khoa học kỹ thuật vệ sinh thực phẩm, nguyên Cục trưởng Cục an toàn vệ sinh thực phẩm, Bộ Y tế cho rằng: Thực phẩm thì ngoài kiểm tra thường xuyên thì phải có những kiểm tra đột xuất và cho cơ chế là thành tra chuyên ngành được xử phạt trong trường hợp kiểm tra đột xuất. Vì thực phẩm nó khác các hàng hoá khác. Vì khi kiểm tra mà báo trước thì người ra chuẩn bị những thực phẩm tương đối tốt hơn, điều kiện vệ sinh sạch sẽ hơn. Và chỉ có kiểm tra đột xuất thì mới phát hiện những rủi ro nguy hại đến sức khoẻ và chúng ta tịch thu ngay được và xử phạt được. Chứ nếu cơ chế như hiện nay, chức năng xử phạt như trong Nghị định 79, thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm cả nước đến nay có chi cục ở tất cả 63 tỉnh, thành. Tuy nhiên, chức năng xử phạt lại chưa có)./.