Theo đó, Chi cục Thủy sản tỉnh Bình Định lựa chọn 12 tàu cá đủ điều kiện, thực hiện thí điểm mô hình nhằm chuyển giao kỹ thuật và công nghệ giúp ngư dân bảo quản cá ngừ đại dương tốt hơn, góp phần tăng hiệu quả kinh tế từ các chuyến biển; đáp ứng nhu cầu liên kết đánh bắt và tiêu thụ cá ngừ đại dương theo đơn hàng của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Công nghệ tạo bọt khí nano gồm 3 thiết bị: máy tạo khí nitơ, máy tạo bong bóng nano nitơ và máy tạo bọt khí nano nitơ. Hệ thống được lắp đặt trên hầm bảo quản cá, quá trình vận hành tách khí nitơ thành các phân tử kích thước nhỏ hơn rồi dẫn vào hầm chứa cá, trung hòa với nước biển và đá lạnh tạo môi trường độ mặn tương đương với độ mặn của cá. Bọt khí nano nitơ sinh ra sẽ khử toàn bộ oxy hòa tan trong nước, khi đó hàm lượng oxy hòa tan trong hầm chứa gần như bằng 0, ngăn quá trình oxy hóa chất béo trong cơ thể cá, giúp giữ được độ tươi của cá trong quá trình bảo quản.

Công nghệ này được Viện Nghiên cứu hải sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu và chuyển giao thành công kỹ thuật cho các địa phương. Ông Nguyễn Công Bình, Chi cục Trưởng Chi cục Thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định cho biết, tham gia mô hình, chủ tàu được hỗ trợ khoảng 40% kinh phí làm hầm bảo quản và máy nano, tương ứng khoảng 40 triệu đồng/tàu cá và hướng đến nhân rộng mô hình cho toàn bộ đội tàu.

“Khi bảo quản bằng công nghệ Nano, chất lượng cao lên thì Công ty sẽ mua cao hơn giá thị trường cũng như đảm bảo việc tiêu thụ, vừa nâng cao chất lượng cũng như giá trị của sản phẩm chủ lực cá ngừ đại dương. Sau này sẽ nhân rộng ra để hình thành chuỗi liên kết cá ngừ đại dương. Tất cả các tàu câu cá ngừ đại dương sẽ được liên kết gắn với cơ sở thu mua”, ông Nguyễn Công Bình thông tin./.