Theo đó, các quy định của dự thảo Nghị định này được xây dựng theo hướng tổ chức lại thị trường vàng thông qua việc NHNN quản lý chặt chẽ và can thiệp mạnh vào thị trường vàng nhằm ngăn ngừa hoạt động đầu cơ vàng, hạn chế kinh doanh vàng miếng nhưng vẫn đảm bảo quyền tích trữ vàng, mua bán vàng của người dân.
Các biện pháp tăng cường quản lý thị trường vàng trong dụ thảo Nghị định cụ thể như sau:
Thứ nhất, NHNN quản lý chặt chẽ hoạt động sản xuất vàng miếng. Do hoạt động sản xuất vàng miếng có tác động rất lớn tới nguồn cung vàng miếng trong nước, nên để bình ổn thị trường vàng, hoạt động sản xuất vàng miếng cần được quản lý, kiểm soát chặt chẽ. Do vậy, khác so với trước đây NHNN cho phép 8 TCTD và doanh nghiệp kinh doanh vàng đã được NHNN cấp phép sản xuất vàng miếng, Dự thảo Nghị định quy định các điều kiện chặt chẽ đối với doanh nghiệp được phép sản xuất vàng miếng. Cụ thể, để được NHNN xem xét cấp phép sản xuất vàng miếng, các doanh nghiệp phải đáp ứng các điều kiện sau đây: (i) Là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật, có đăng ký hoạt động sản xuất vàng miếng trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; (ii) Có vốn điều lệ từ 500 tỷ đồng trở lên; (ii) Có địa điểm, cơ sở vật chất và các trang thiết bị cần thiết phục vụ cho hoạt động sản xuất vàng miếng; (iv) Chiếm từ 25% thị phần sản xuất vàng miếng trong nước trở lên trong 3 năm liên tiếp gần nhất.
Dự kiến với các điều kiện nêu trên, số lượng doanh nghiệp được phép sản xuất vàng miếng sẽ giảm xuống đáng kể. Đồng thời, dự thảo Nghị định cũng quy định rõ việc sản xuất vàng miếng được thực hiện theo hạn mức do NHNN cấp từng lần. Ngoài ra, dự thảo cũng quy định cụ thể trách nhiệm của doanh nghiệp sản xuất vàng miếng, đặc biệt là quy định kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng. Các quy định này nhằm đảm bảo cho NHNN quản lý chặt chẽ nguồn cung ứng vàng miếng, góp phần bình ổn thị trường, đồng thời ngăn chặn việc sản xuất vàng miếng từ nguồn nguyên liệu nhập lậu.
Thứ hai, dự thảo Nghị định thu hẹp đối tượng được phép kinh doanh mua bán vàng miếng, không khuyến khích hoạt động mua bán vàng miếng. Khắc phục bất cập trong quản lý hoạt động kinh doanh mua bán vàng miếng hiện nay (hoạt động mua bán vàng miếng được thực hiện khá tự do tại hầu hết 12.000 doanh nghiệp kinh doanh vàng, gây khó khăn cho công tác quản lý và tăng nguy cơ „vàng hóa”), Dự thảo Nghị định bổ sung quy định coi hoạt động kinh doanh mua bán vàng miếng là hoạt động kinh doanh có điều kiện, có cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh. Đồng thời dự thảo Nghị định cũng bổ sung quy định về điều kiện chặt chẽ đối với hoạt động kinh doanh mua bán vàng miếng. Cụ thể, để được NHNN cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh mua bán vàng miếng, các doanh nghiệp phải đáp ứng đủ các điều kiện sau đây: (i) Là doanh nghiệp thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật; (ii) Có vốn điều lệ từ 100 tỷ đồng trở lên; (iii) Có kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh mua, bán vàng từ 02 năm trở lên; (iv) Có số thuế đã nộp của hoạt động kinh doanh vàng từ 500 (năm trăm) triệu đồng/năm trở lên trong 2 (hai) năm liên tiếp gần nhất (có xác nhận của cơ quan thuế); (v) Có mạng lưới chi nhánh, địa điểm bán hàng tại Việt Nam từ 3 (ba) tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên.
Như vậy, với các điều kiện chặt chẽ như trên, dự kiến số lượng doanh nghiệp được phép kinh doanh mua bán vàng miếng sẽ thu hẹp đáng kể từ trên 10 ngàn doanh nghiệp như hiện nay xuống chỉ còn một số doanh nghiệp, tổ chức tín dụng có khả năng tài chính, kinh nghiệm, uy tín trong lĩnh vực kinh doanh vàng được phép tiếp tục thực hiện mua bán vàng miếng. Tuy nhiên, để bảo đảm quyền tích trữ, mua bán vàng của người dân, dự thảo Nghị định quy định các điều kiện kinh doanh mua bán vàng miếng của TCTD tương đối thuận lợi để dựa vào mạng lưới chi nhánh, phòng giao dịch của TCTD thực hiện mua bán vàng với người dân. Việc này giúp NHNN quản lý tốt hơn thị trường vàng miếng do các TCTD do NHNN trực tiếp quản lý.
Đồng thời, để tăng cường hiệu quả quản lý, dự thảo Nghị định cũng bổ sung quy định „Hoạt động mua, bán vàng miếng của các tổ chức, cá nhân chỉ được thực hiện tại các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp được Ngân hàng Nhà nước cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng”.
Như vậy, việc kinh doanh vàng miếng không có giấy phép của NHNN và hoạt động mua bán vàng miếng trên thị trường tự do là hoạt động bất hợp pháp và sẽ bị xử lý nghiêm khắc theo quy định của Nghị định 95/2011/NĐ-CP vừa được Chính phủ ban hành.
Thứ ba, NHNN quản lý chặt chẽ hoạt động xuất, nhập khẩu vàng nguyên liệu. NHNN là cơ quan tổ chức và/hoặc cấp phép hoạt động xuất nhập khẩu vàng nguyên liệu. Theo quy định này, NHNN sẽ tổ chức xuất nhập khẩu hoặc cấp phép cho doanh nghiệp, TCTD xuất nhập khẩu vàng nguyên liệu. NHNN sẽ lựa chọn hình thức phù hợp với thực tế và mục tiêu quản lý theo từng giai đoạn. Quy định này cũng nhằm tạo điều kiện để NHNN quản lý, kiểm soát lượng vàng nguyên liệu xuất khẩu, nhập khẩu cũng như điều tiết cung-cầu trên thị trường, hạn chế tình trạng xuất nhập lậu vàng, đầu cơ, lũng đoạn thị trường.
Thứ tư, NHNN thực hiện quản lý chặt chẽ hơn hoạt động sản xuất, mua bán vàng trang sức, mỹ nghệ. Theo quy định tại dự thảo Nghị định, hoạt động sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ phải được NHNN cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh. Việc quy định các doanh nghiệp sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ phải được NHNN cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh là cơ sở để cấp phép nhập khẩu vàng nguyên liệu. Mặt khác, việc yêu cầu các doanh nghiệp phải đóng mã ký hiệu và hàm lượng vàng trên sản phẩm và công bố tiêu chuẩn áp dụng sẽ góp phần kiểm soát chất lượng và hạn chế tình trạng gian lận tuổi vàng.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh mua bán vàng trang sức, mỹ nghệ, dự thảo Nghị định quy định hoạt động này là hoạt động kinh doanh có điều kiện nhưng không cần cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh. Tuy nhiên, để bảo đảm an toàn, minh bạch trong hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp này, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, giúp tăng cường quản lý chất lượng vàng trên thị trường, dự thảo Nghị định quy định các doanh nghiệp kinh doanh mua bán vàng trang sức, mỹ nghệ có trách nhiệm: (i) Niêm yết công khai tại địa điểm giao dịch về khối lượng, hàm lượng vàng, giá mua, giá bán các loại sản phẩm vàng trang sức, mỹ nghệ và chịu trách nhiệm trước pháp luật về chất lượng sản phẩm bán ra thị trường; (ii) Chấp hành các quy định của pháp luật về chế độ kế toán, lập và sử dụng hoá đơn chứng từ; (iii) Tuân thủ các quy định pháp luật về đo lường; (iv) Có biện pháp và trang thiết bị bảo đảm an toàn trong hoạt động kinh doanh...
Thứ năm, quản lý chặt chẽ các hoạt động kinh doanh vàng khác. Dự thảo Nghị định quy định các hoạt động kinh doanh vàng khác, ngoài hoạt động được quy định trong dự thảo Nghị định sẽ chỉ được phép thực hiện sau khi Thủ tướng Chính phủ cho phép và được NHNN cấp phép. Quy định nhằm tạo sơ sở pháp lý để xử lý các hành vi vi phạm của các tổ chức, cá nhân khi thực hiện các hoạt động kinh doanh này không có phép của NHNN (như hoạt động của sàn vàng bất hợp pháp, kinh doanh vàng tài khoản ở nước ngoài, kinh doanh các sản phẩm phái sinh về vàng...). Ngoài ra, hoạt động kinh vàng trên tài khoản, hoạt động phái sinh về vàng tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt tạo điều kiện cho hoạt động đầu cơ, gây bất ổn thị trường vàng, ngoại hối, ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ và quyền lợi của người dân. Do vậy, việc cho phép thực hiện các hoạt động này phải tùy thuộc vào điều kiện thực tế trong từng thời kỳ.
Thứ sáu, tạo cơ chế cho phép NHNN thực hiện các biện pháp can thiệp bình ổn thị trường vàng khi có diễn biến bất thường. Để tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động can thiệp của NHNN nhằm bình ổn thị trường vàng khi có diễn biến bất thường, dự thảo Nghị định quy định cho phép NHNN thực hiện can thiệp bình ổn thị trường vàng thông qua các hoạt động: (i) Cấp phép sản xuất vàng miếng; (ii) Tổ chức mua bán vàng miếng trên thị trường trong nước; (iii) Tổ chức xuất khẩu, nhập khẩu vàng nguyên liệu; (iv) Tổ chức huy động vàng.
Việc nâng cao vai trò can thiệp và quản lý của NHNN sẽ giúp kiểm soát cung – cầu vàng trên thị trường, bình ổn giá vàng, từ đó khắc phục tình trạng đầu cơ, lũng đoạn thị trường, đồng thời góp phần tiết kiệm ngoại tệ để nhập khẩu vàng. Đồng thời, hoạt động mua, bán vàng can thiệp của NHNN trong tương lai có thể giúp duy trì mức chênh lệch hợp lý giữa giá vàng trong nước và quốc tế, do đó hạn chế việc buôn lậu vàng qua biên giới
Thứ bảy, Nhà nước thực hiện điều tiết thị trường vàng thông qua chính sách thuế. Dự thảo Nghị định quy định Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước trình cơ quan có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền chính sách thuế xuất khẩu, nhập khẩu vàng, thuế trị giá gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế thu nhập đối với hoạt động kinh doanh vàng phù hợp trong từng thời kỳ. Theo quy định này, ngoài chính sách thuế xuất khẩu, nhập khẩu vàng, Bộ Tài chính sẽ làm đầu mối kiến nghị việc ban hành chính sách thuế đối với kinh doanh vàng trong nước như thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế thu nhập nhằm giảm tính hấp dẫn của việc mua bán, tích trữ vàng miếng. Đây sẽ là biện pháp kinh tế có hiệu quả cao trong việc góp phần hạn chế tình trạng ”vàng hoá” trong nước.
Đồng thời, dự thảo Nghị định cũng quy định trách nhiệm và phân công nhiệm vụ cho NHNN, các Bộ, ngành và UBND tỉnh, thành phố trong công tác phối hợp, quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh vàng, đặc biệt về việc quản lý chất lượng, xuất xứ và kiểm tra, thanh tra, kiểm soát thị trường vàng.
Ngân hàng Nhà nước cho rằng, việc thực hiện nghiêm các biện pháp nêu trên sẽ giúp thị trường vàng bình ổn, qua đó từng bước hạn chế tình trạng "vàng hóa”, hạn chế ảnh hưởng của thị trường vàng đến việc điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá của NHNN, đồng thời bảo vệ tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân./.