Đóng cửa phiên giao dịch ngày 4/5, cổ phiếu HAG của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai giảm sàn sau chuỗi tăng giá tích cực kể từ 21/4. Trong phiên này, HAG mất 500 đồng tương ứng 6,2% xuống còn 7.500 đồng/cp.

a_diuw.jpg
Chỉ trong một phiên, tài sản của bầu Đức trên sàn chứng khoán "bốc hơi" 173,9 tỷ đồng.

Với diễn biến này, chỉ trong một phiên, tài sản của bầu Đức trên sàn chứng khoán "bốc hơi" 173,9 tỷ đồng do Chủ tịch Hoàng Anh Gia Lai đang nắm giữ tới 347,77 triệu cổ phần tại doanh nghiệp này. Hiện tại, ông Đức xếp thứ 5 trong danh sách các tỉ phú giàu nhất thị trường chứng khoán với 2.608 tỷ đồng.

Cổ phiếu HAG lao dốc ngày hôm qua ngay sau khi Hoàng Anh Gia Lai công bố báo cáo tài chính quý I/2016 với một số thông tin xấu liên quan đến kết quả kinh doanh quý đầu tiên.

Cụ thể, trong quý vừa rồi, lợi nhuận sau thuế của Hoàng Anh Gia Lai sụt giảm rất mạnh, chỉ còn 90,9 tỷ đồng, giảm xấp xỉ 70% so với kết quả cùng kỳ năm 2015. Đáng chú ý là lợi nhuận ròng doanh nghiệp lao dốc trong khi doanh thu bán hàng của doanh nghiệp lại tăng gần gấp đôi lên 1.972 tỷ đồng.

Theo giải trình của Hoàng Anh Gia Lai, nguyên nhân doanh thu tăng do trong kỳ phát sinh khoản doanh thu bán bò đạt 1.233 tỷ đồng. Ngoài ra, doanh thu bán căn hộ cũng tăng 132 tỷ đồng. Tương ứng với biến động doanh thu, giá vốn hàng bán cũng bị "đội" thêm 992 tỷ đồng (gấp 2,4 lần cùng kỳ), trong đó riêng giá vốn bán bò đã là 1.100 tỷ đồng.

Một mối quan tâm lớn mà các cổ đông đang dành cho Hoàng Anh Gia Lai ở thời điểm hiện tại là tình hình vay nợ của công ty. Trong kỳ, chi phí tài chính của Hoàng Anh Gia Lai ở mức 304,1 tỷ đồng, tăng 124,7% so cùng kỳ (riêng chi phí lãi vay tăng 128,% lên 282,2 tỷ đồng).

Tại thời điểm 31/3/2016, nợ phải trả của Hoàng Anh Gia Lai đã lên tới 34.099,8 tỷ đồng, tăng 1.137 tỷ đồng so với thời điểm cuối năm 2015. Trong đó, nợ ngắn hạn là 14.563,5 tỷ đồng, tăng 1.350,5 tỷ đồng.

Thuyết minh báo cáo tài chính cho thấy, đến cuối quý I, các khoản vay ngắn hạn và dài hạn của Hoàng Anh Gia Lai ở mức 28.107,2 tỷ đồng, tăng 1.008 tỷ đồng so với 3 tháng trước đó. Trong đó, vay ngắn hạn và vay dài hạn đến hạn trả là 9.621 tỷ đồng, tăng hơn 1.300 tỷ đồng.

Điểm tích cực là theo báo cáo lưu chuyển tiền tệ, trong quý I, công ty bầu Đức đã thu hồi 282 tỷ đồng tiền cho vay (tăng 346,7% so cùng kỳ năm trước). Đồng thời, giảm cho các đơn vị khác vay từ 813 tỷ đồng xuống còn 152 tỷ đồng và thu hồi đầu tư góp vốn vào các đơn vị khác hơn 255 tỷ đồng.

Số dư tiền mặt tại thời điểm cuối quý I cũng đã tăng 750 tỷ đồng so với đầu năm lên 1.720 tỷ đồng.

Mới đây, ông Trần Bắc Hà - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng BIDV (một chủ nợ lớn của Hoàng Anh Gia Lai) cho biết, hiện 10 tổ chức tín dụng, là chủ nợ của công ty này đã đồng loạt đưa ra phương án hỗ trợ và đã có báo cáo trình Ngân hàng Nhà nước và Thủ tướng.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ Lào cũng đã có công hàm chính thức gửi cho chính phủ Việt Nam đề nghị có sự hỗ trợ cho các doanh nghiệp Việt Nam đang trồng cao su tại Lào và Campuchia, trong đó có Hoàng Anh Gia Lai./.