Khác với không khí tấp nập, hàng đoàn xe dài nối đuôi nhau đi xem đất như cách đây chỉ 1,2 tháng trước, hiện nay đa số dự án tại các địa phương quanh Hà Nội đều không bóng người, nhiều khách hàng hủy hẹn xem đất vì sợ lây lan dịch bệnh.

Chị Nguyễn Thị Thủy, nhân viên môi giới sàn bất động sản Minh Quang (Hải Dương) chia sẻ, từ ngoài Tết Nguyên đán đến tháng 3, thị trường ở đây lên cơn sốt, khách đến mỗi ngày một đông và giá cũng tăng nhanh từng thời điểm. Sang tháng 4, tuy hạ nhiệt dần do địa phương và bộ ngành siết chặt quản lý song thị trường vẫn khá sôi động, mỗi ngày chị Thủy dẫn khoảng 3 - 4 đoàn khách đi xem đất. Nhưng bắt đầu từ khi dịch bùng phát vào cuối tháng 4 đến giờ, tình hình thay đổi nhanh chóng mặt, cả ngày không có khách nào liên lạc với chị.

“Nhiều khách hẹn sau nghỉ lễ 1/5 sẽ đi xem một dự án đang “hot” tại phường Thạch Khôi (Hải Dương), nhưng vì dịch nên họ hủy hẹn. Hiện tại, đến 80% lượng khách hàng đã có lịch từ trước đã “hủy kèo”, lùi hẹn sang cuối tháng 6 hoặc thời điểm nào dịch bệnh được kiểm soát”, chị Thủy nói.

Cũng theo chị Thủy, thu nhập của nhân viên môi giới bất động sản phụ thuộc vào “hoa hồng” của khách hàng. Do đó, khi khách hủy hẹn liên tục, nhân viên môi giới gần như mất đi một khoản thu nhập đáng kể.

Tại khu vực phía Bắc, bất động sản Hải Dương là một trong những thị trường vệ tinh khá sôi nổi trong những năm gần đây. Thế nhưng đại dịch Covid-19 bùng phát cuối tháng 4 vừa qua đã khiến thị trường Hải Dương rơi vào tình cảnh ảm đạm, đóng băng. Các hoạt động giao dịch giảm từ 60 -70% so với tháng trước đó.

Tương tự, Bắc Giang, Bắc Ninh cũng từng là 2 điểm nóng chứng kiến cảnh sốt đất thời gian qua. Tuy nhiên, hiện tại đây đều là những ổ dịch Covid-19 lớn, nên các hoạt động mua bán nhà đất gần như dừng hẳn. 

Chị Vũ Thị Tân - nhân viên sàn môi giới HP (chuyên bán các dự án ở Bắc Giang) cho hay, theo kế hoạch, trong tháng 5 này, chị sẽ tiếp đón từ 10 - 12 đoàn khách từ Hà Nội, Thái Nguyên đến để tìm kiếm cơ hội đầu tư. Tuy nhiên, khi dịch Covid-19 bùng phát, hàng loạt khách hàng tiềm năng đều dừng kế hoạch và hiện họ chưa hứa hẹn bất cứ điều gì.

“Đây đều là những ổ dịch lớn, vì vậy, hơn nửa tháng nay, gần như không có nhà đầu tư ngoại tỉnh quan tâm. Các khách hàng ở tỉnh thì cũng rất dè chừng, gần như không có ai dò hỏi thông tin, chứ chưa nói đến việc xuống tiền thời điểm này. Hiện chỉ có những lô đất cắt lỗ sâu mới có giao dịch, còn lại gần như thị trường Bắc Giang đang bất động”, chị Tân chia sẻ.

Theo chị Tân, ngoài ảnh hưởng của dịch bệnh, thị trường chững lại còn do nhiều nhà đầu tư có tâm lý chờ đợi giá giảm. Bởi lẽ, sau một thời gian sốt nóng, từ đầu tháng 4, khi dịch chưa bùng phát, giá nhà đất đã có dấu hiệu đi ngang và giảm nhẹ, nhiều khách hàng chờ đợi thị trường hạ nhiệt để bắt đáy.

Tại Bắc Ninh, tình hình cũng ảm đạm không kém. Nhiều nhân viên môi giới chia sẻ, họ đã ngừng làm việc hoặc chỉ làm việc online, qua điện thoại để ở nhà phòng dịch. Thực tế, dịch bệnh bùng phát khiến nhu cầu đầu tư bất động sản nói chung và bất động sản các tỉnh nói riêng có giảm đi rõ rệt.

Báo cáo thị trường tháng 4/2021 của batdongsan.com.vn cho thấy, Covid-19 tái bùng phát và diễn biến ngày càng phức tạp đang tạo ra sức ảnh hưởng không nhỏ đến nhu cầu tìm kiếm và giao dịch bất động sản tại khá nhiều thị trường, đặc biệt là khu vực các tỉnh phía Bắc. Theo đó, nhu cầu tìm kiếm bất động sản 7 ngày trước và sau kỳ nghỉ lễ 30/4 -1/5 đều giảm khá mạnh ở hầu hết các thị trường có sự bùng phát dịch bệnh. Ví dụ như: Bắc Ninh giảm 21%, Bắc Giang giảm 13% trong khi Vĩnh Phúc và Hà Nam lần lượt ghi nhận mức giảm 39% và 27%.

Khu vực miền Trung, Đà Nẵng có nhu cầu tìm mua nhà đất giảm 27%. Còn phía Nam, hai khu vực ghi nhận biến động là Bình Dương và Long An với lượng quan tâm tìm kiếm bất động sản giảm 9% và 10% so với trước đó.

Với các doanh nghiệp, dịch Covid-19 bùng phát lần thứ tư khiến kế hoạch bán hàng của nhiều đơn vị phải hoãn lại. Lãnh đạo một doanh nghiệp bất động sản cho biết, từ đầu tháng 4/2021, khi thị trường ấm lên rõ rệt, công ty ông đã lên kế hoạch mở bán dự án căn hộ nghỉ dưỡng ở Phan Thiết vào giữa tháng 5.

Để chuẩn bị cho đợt mở bán, công ty bắt đầu chạy thị trường từ giữa tháng 4 với chi phí bỏ ra để quảng bá, PR bán hàng hơn 2 tỷ đồng. Khi dịch bệnh bỗng bùng phát trở lại, công ty phải "cắn răng" quyết định hủy sự kiện, chờ khi tình hình được kiểm soát. “Hủy bán hàng đồng nghĩa với chi phí chạy truyền thông, quảng cáo coi như phải làm lại. Khi mở bán lại, chúng tôi lại phải bỏ thêm 1 khoản lớn cho việc này”, vị này cho biết.

Theo Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, chắc chắn chủ đầu tư sẽ bị tác động nhiều do dịch bệnh. Nhiều doanh nghiệp đã phải lùi kế hoạch kinh doanh, kế hoạch mở bán dự án vì lo ngại tác động của dịch. Hiện thị trường bất động sản Việt Nam vẫn phải dựa vào cách bán hàng truyền thống là chính. Những phương thức khác như bán hàng qua app, online dù là cách làm mới nhưng chưa đủ sức thay thế.

Nhận định về xu hướng thị trường trong các tháng tới, ông Nguyễn Ngọc Hiếu, Trưởng bộ phận nghiên cứu thị trường của Batdongsan.com.vn cho rằng, các hoạt động giao dịch bất động sản có thể sẽ kém sôi động hơn do nhiều dự án tạm hoãn bán hàng tập trung, chuyển dịch sang hình thức mua bán trực tuyến vì tuân thủ biện pháp giãn cách an toàn trong mùa dịch.

Ngoài ra, kế hoạch giới thiệu sản phẩm mới sẽ bị trì hoãn cho đến khi dịch được kiểm soát tốt. Tuy nhiên, các giao dịch thứ cấp được dự báo sẽ sôi động trong những tháng tới, cùng với đó ưu thế sẽ dành cho  doanh nghiệp nào có sự chuẩn bị kỹ càng và thích ứng tốt với hình thức bán hàng online./.