Phòng Tài nguyên và Môi trường cùng các đơn vị chuyên môn và 12 xã, thị trấn của huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hoà phối hợp thống kê, đo đạc. Trong vòng 3 tháng, các đơn vị tiến hành xây dựng lưới GPS phục vụ cắm mốc đo đạc; đo vẽ bản đồ hiện trạng tỉ lệ 1/500; thu thập bản đồ địa chính, các tài liệu thu hồi đất dự án trước đó (nếu có); thu thập thông tin giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, dữ liệu dân cư; lập bản đồ hiện trạng.

Huyện Cam Lâm nằm giữa 2 đô thị là Nha Trang và Cam Ranh, với đường bờ biển dài hơn 10 km, có đầm Thủy Triều rộng hàng ngàn héc ta. Cam Lâm có địa hình đa dạng, có biển và đồi núi, có các tuyến giao thông quốc gia huyết mạch đi qua, đặc biệt là gần sân bay Quốc tế Cam Ranh. Uỷ ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa đề xuất Trung ương cho phát triển khu vực Cam Lâm và một phần thành phố Cam Ranh thành đô thị sân bay, có dân số tương đương đô thị loại 1.

Tháng 3/2022, Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương lập Quy hoạch đô thị mới tại huyện Cam Lâm. Mục tiêu phát triển huyện Cam Lâm thành đô thị sân bay, hiện đại, sinh thái, đẳng cấp quốc tế, góp phần sớm đưa Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị về phát triển Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Ông Ngô Văn Bảo, Chủ tịch UBND huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa cho biết: “Khảo sát, tổng hợp, thống kê để thực hiện bản đồ quản lý đất đai, đây là việc thường xuyên. Tuy nhiên, đợt này, kết hợp phục vụ quy hoạch và những dự án sau quy hoạch. Mình làm kỹ hơn, chi tiết hơn. Việc này do Nhà nước làm, xác định vị trí, vị trí loại đất, thống kê luôn trên toàn huyện, nắm được toàn diện, đầy đủ các số liệu thống kê liên quan đến đất đai của mình”./.