Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương đang triển khai tổng kết 7 năm thực hiện Luật Đất đai 2013, và hiện khoảng 50% số tỉnh trên cả nước đã có báo cáo. Theo đó, các địa phương đều đánh giá rằng, Luật Đất đai đã giúp quản lý Nhà nước về đất đai chặt chẽ hơn ở cả ba cấp tỉnh, huyện, xã; công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được triển khai rộng rãi; thủ tục hành chính đất đai được rút gọn; bước đầu hình thành được thị trường bất động sản, trong đó có quyền sử dụng đất thực sự giúp huy động được nguồn lực xã hội để phát triển sản xuất, kinh doanh. Cũng nhờ đất đai, các địa phương có nguồn thu quan trọng cho ngân sách.
Thế nhưng, những mặt tích cực đó vẫn chưa đáp ứng được hết yêu cầu thực tiễn, chỉ sau khi Luật đi vào thực hiện được thời gian ngắn, nhiều vấn đề bất cấp đã bộc lộ. Dù tạo ra những bước chuyển đáng kể so với các Luật trước đó, thì Luật Đất đai 2013 thiên về quản lý Nhà nước hơn là nâng cao hiệu suất và hiệu quả sử dụng đất, có nghĩa là chưa thực sự trở thành nguồn nội lực quan trọng phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội.
Loạt bài: Sửa đổi Luật đất đai 2013 – Lấp lỗ hổng, khơi thông nguồn lực phát triển của phóng viên VOV sẽ đề cập vấn đề này.
25 năm trước Dự án Đô thị mới Thủ Thiêm, quận 2, TP.HCM được khởi động mang theo nhiều kỳ vọng của người dân TP.HCM nói chung và quận 2 nói riêng về một Trung tâm tài chính, thương mại mang tầm cỡ quốc tế. Tuy nhiên, đây lại là sự khởi đầu cho những khiếu kiện dai dẳng của người dân trong khu vực dự án liên quan đến vấn đề quản lý đất đai cũng như công tác quy hoạch khu đô thị này.
Nhiều người dân khu vực Thủ Thiêm cho biết:
"Tôi bây giờ chỉ mong ước làm sao cho công bằng. Trước kia về đây đổ ra bao nhiêu tiền bạc, xương máu thì phải đền bù cho xứng đáng thì người dân mới đi được. Chứ bám ở chỗ đất này cũng cực, khổ quá".
"Khi tôi về thì nghe nói nhà bị giải tỏa rồi nên mới đi kiện. Tôi khẳng định là chưa nhận bất cứ văn bản nào của Quận 2. Tôi gửi rất nhiều đơn thư, giờ đã về hưu rồi, không còn điều kiện nữa".
"Khó chịu lắm, 10 năm nay tự dưng có nhà mà đi ở trọ. Bây giờ phải trả đất cho chúng tôi, nếu không thì phải hoán đổi đất"...
Đây là những bức xúc của người dân tại quận 2, TP.HCM khi những sai phạm tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm được phanh phui năm 2018. Dự án được phê duyệt từ năm 1996 và năm 2002 TPHCM được Chính phủ cho phép thu hồi 930 ha đất và bồi thường, giải phóng mặt bằng. Có điều việc triển khai thu hồi lúc đó làm chưa đúng, thu hồi cả phần đất không trong quy hoạch, trong khi đền bù không đảm bảo quyền lợi của dân. Ngay cả đến khi Luật Đất đai 2013 có hiệu lực cũng không thể giải quyết các mâu thuẫn, bất cập này, dẫn đến khiếu nại, tố cáo kéo dài hơn 20 năm.
Ông Cao Thăng Ca, phường Bình Khánh, quận 2, TP.HCM cho biết: “Không đặt nặng vấn đề vật chất mà tôi đặt nặng vấn đề chủ trương của Đảng phải được thực hiện, luật pháp của Nhà nước phải nghiêm minh. Quyền lợi của chúng tôi có thể hy sinh, nếu vì lợi ích, mang lại sự phát triển cộng đồng nói chung thì sẵn sàng hợp tác, còn tham nhũng, tư túi thì không bao giờ chấp nhận”.
Một câu chuyện khác xảy ra tại Khu đô thị Đình Trám-Sen Hồ, tỉnh Bắc Giang, người dân xã Hoàng Ninh, huyện Việt Yên khiếu kiện khéo dài và vượt cấp 8 năm qua. Huyện Việt Yên và tỉnh Bắc Giang đều cho rằng người dân khiếu nại vô căn cứ, còn người dân thì không chấp nhận cách giải thích của chính quyền.
Ông Đỗ Xuân Mùa, xã Hoàng Ninh, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang bức xúc: "Nhân dân chưa đồng thuận về mức giá cả. Thứ 2 việc giải quyết việc làm cho nhân dân trong độ tuổi lao động còn nhiều khó khăn. Ở địa phương không có việc làm, rất khó khăn khi xin việc. Khi mất tư liệu sản xuất nhân dân nghĩ về kế sinh nhai sau này, con cháu chưa biết đi về đâu".
Những bất cập như vừa nêu chủ yếu nằm ở vấn đề “thu hồi đất” - cụm từ được nhắc đến nhiều lần trong các Luật Đất đai qua nhiều thời kỳ, kể cả Luật đất đai 2013. Theo quy định của Luật, đất đai được thu hồi để phục vụ cho các dự án Quốc gia, công cộng, dự án bằng vốn ODA và “dự án phát triển kinh tế - xã hội” vì lợi ích Quốc gia. Vấn đề ở chỗ, khái niệm thế nào “dự án phát triển kinh tế -xã hội phục vụ lợi ích quốc gia” này chưa được làm rõ nên nhiều địa phương thực hiện thu hồi cho rất nhiều loại dự án gồm cả khu đô thị mới, khu dân cư nông thôn, dự án chế biến nông, lâm, thủy, hải sản…
Không hài hòa được lợi ích khi thu hồi đất dẫn đến người bị thu hồi khiếu kiện kéo dài, dự án của doanh nghiệp thì chậm tiến độ như trường hợp của Công ty Thương mại dịch vụ và Xây dựng Yên Mai tại tỉnh Bắc Ninh. Hơn 10 năm qua, công ty mới thỏa thuận đền bù được hơn 12.000m2, chỉ bằng hơn một nửa số đất phải thu hồi cho dự án.
Ông Đặng Công Tể, Giám đốc Công ty Thương mại dịch vụ và Xây dựng Yên Mai cho biết: "Dự án của chúng tôi giải phóng mặt bằng đã từ lâu, nhưng bây giờ một số hộ còn lại người ta đòi quá cao so với mặt bằng thị trường và mặt bằng nhà nước giao cho. Bây giờ chúng tôi đền bù cao quá so với nguyện vọng của người dân thì ở xã đấy khó thu hồi được theo dự án này và sinh ra những dự án khác liền kề thu hồi khó. Gây khó khăn cho những dự án khác của địa phương".
Để có mặt bằng thực hiện dự án, một số nhà đầu tư vừa phải đền bù theo giá nhà nước, vừa hỗ trợ “ngầm” thêm cho người dân. Người đền bù sau nhận tiền nhiều hơn người được đền bù trước khiến tiếp tục phát sinh mâu thuẫn kiện cáo. Một số nơi người dân phong toả diện tích đất thực hiện dự án, cản trở thi công, gây mất trật tự an toàn xã hội.
Ông Nguyễn Duy Hưng, Phó Giám đốc Công ty đầu tư phát triển hạ tầng, Tổng Công ty Cổ phần Viglacere cho rằng: "Về tâm lý của người dân khi cùng 1 gia đình mà thu hồi đất 2 dự án. Một dự án là nhà nước thu hồi đất, một dự án thỏa thuận thì nó cũng có so sánh cân nhắc. Rõ ràng người dân chỉ biết nhà nước thu hồi đất, hoặc tôi mất chừng này diện tích thì giá đền bù của nhà nước thu hồi đất và giá đền bù kia là phải bằng nhau".
Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLAW, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho rằng, trong các lần sửa đổi Luật Đất đai gần đây, đã xảy ra nhiều tranh luận về việc Nhà nước có được thu hồi đất phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội hay không?. Rồi việc chính quyền địa phương đứng ra thay mặt doanh nghiệp thu hồi đất thay vì để doanh nghiệp tự thỏa thuận với người sử dụng đất có hợp lý hay không? Đây là nhược điểm rất lớn của Luật Đất đai 2013 mà sắp tới cần phải sửa.
"Tôi cũng đồng ý với quan điểm là nhà nước chỉ nên thu hồi đất đối với dự án liên quan đến quốc phòng, an ninh. Còn đối với những dự án mà của chủ đầu tư thực hiện với mục đích là kinh tế hoặc là kinh doanh thương mại không nên để Nhà nước đứng ra thu hồi đất. Tôi nghĩ là nên chăng thì vẫn giải quyết gây hài hòa lợi ích nhưng mà hạn chế để các trường hợp là chính quyền được thu hồi đất" - luật sư Nguyễn Thanh Hà nêu ý kiến.
Những cơ chế, chính sách về đất đai không phù hợp với thực tế này đã khiến cho việc khiếu kiện đất đai kéo dài ở nhiều địa phương, thậm chí số lượng đơn thư khiếu nại, tố cáo về đất đai chiếm khoảng 70% tổng số vụ việc khiếu nại, tố cáo, một số vụ việc kéo dài, tụ tập đông người, gây bức xúc trong dư luận. Chính vì vậy, cả người dân, doanh nghiệp đều cần một chính sách về quản lý đất đai phù hợp với thực tế làm sao hài hoà được lợi ích giữa Nhà nước-người dân và doanh nghiệp...
VOV sẽ tiếp tục phản ánh về vấn đề này trong các bài viết sau./.