Mai Sơn là địa phương có diện tích cây cà phê lớn nhất tỉnh Sơn La, với hơn 6.000 ha, tập trung chủ yếu ở các xã: Chiềng Mung, Chiềng Ban, Chiềng Mai, Chiềng Chung, Mường Chanh, Chiềng Dong... Nhiều năm nay, cây cà phê đã trở thành một trong những cây trồng chủ lực ở huyện. Từ năng suất cà phê quả tươi bình quân khoảng 13-15 tấn/ha, tổng sản lượng hàng năm 60.000-70.000 tấn, nhiều hộ trồng cà phê đã có việc làm, thu nhập ổn định, không chỉ thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu.

Bà Hoàng Thị Hồng, Phó Chủ tịch UBND huyện Mai Sơn cho biết, trên địa bàn hiện có 2 nhà máy và gần 100 cơ sở sơ chế, chế biến cà phê. Trước đây, do chưa quan tâm đúng mức đến vấn đề môi trường, nên một số cơ sở chế biến chưa đầu tư các công trình thu gom, xử lý nước thải đảm bảo tiêu chuẩn, hoặc còn trực tiếp xả nước thải chưa qua xử lý ra suối, lạch… gây ô nhiễm nguồn nước, môi trường, ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân trên địa bàn.

Nhằm hạn chế tình trạng này trong mùa thu hoạch, chế biến cà phê chính vụ năm nay, huyện đã tổ chức nhiều đợt tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở đăng ký sơ chế cà phê xây dựng kế hoạch bảo vệ môi trường; tổ chức ký cam kết với 100% cơ sở có hoạt động sơ chế cà phê; đồng thời, thành lập Đoàn kiểm tra, giám sát hoạt động tại các cơ sở này để kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm.

"Năm nay sản lượng cà phê dự kiến tăng 2 lần so với năm trước. Đến nay, các cơ sở sản xuất trên địa bàn đều đã xây bể, lót bạt để thực hiện sơ chế cà phê theo quy định. Chắc chắn vấn đề ô nhiễm sẽ được hạn chế rất nhiều. Trên địa bàn Mai Sơn hiện có hoảng 500 hộ sản xuất nhỏ lẻ. Huyện đã chỉ đạo các xã phải có trách nhiệm kiểm tra, giám sát thường xuyên những hộ này và hướng dẫn các hộ phải lót bạt, xây bể và không xả thải ra môi trường như mọi năm. Vì vậy, cơ bản đến thời điểm này, các hộ đều đã chấp hành rất nghiêm", bà Hoàng Thị Hồng cho biết thêm./.