Ngày 1/10, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội phối hợp với Dự án Quản trị Nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện của cơ quan phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID GIG) tổ chức hội thảo tham vấn hoàn thiện Bộ luật Tố tụng dân sự. Hội thảo nhằm lấy ý kiến để hoàn thiện Bộ luật Tố tụng Dân sự theo hướng tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp.

Nền tư pháp đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh. Tuy nhiên, trên thực tế, việc áp dụng Luật Tố tụng dân sự đang nảy sinh nhiều bất cập như: thời gian giải quyết tranh chấp hợp đồng kéo dài do phần lớn các tòa án vẫn áp dụng phương thức quản lý theo sổ sách, chưa ứng dụng công nghệ thông tin trong quy trình tố tụng, mới chỉ có vài tòa án áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhận đơn và thụ lý vụ án. Viện Kiểm sát tham gia quá nhiều vào quá trình tố tụng; phía bị đơn, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan không hợp tác với Tòa án; thủ tục tống đạt gồm nhiều bước, tốn nhiều thời gian…

hoi_thao_copy_jaok.jpg
Hội thảo tham vấn Bộ luật Tố tụng dân sự nhằm cải thiện môi trường kinh doanh.

Tại hội thảo, các chuyên gia kinh tế cũng như các nhà luật học thảo luận nhằm hoàn thiện Dự thảo bộ luật Tố tụng dân sự theo hướng rút ngắn thời gian trong thủ tục tố tụng, áp dụng phương thức nộp hồ sơ khởi kiện trực tuyến, xây dựng mô hình một cửa của bộ phận hành chính tư pháp để tiếp nhận đơn, thụ lý vụ án… nhằm bảo đảm công khai, minh bạch, độc lập xét xử, hạn chế sự tham gia của Viện kiểm sát trong Tố tụng dân sự…

Ông Tưởng Văn Lượng, nguyên Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao cho biết, phương thức thực hiện điện tử là khâu cải cách mang tính chất hành chính, liên quan đến kinh phí nhà nước. “Phải cung cấp đầy đủ kinh phí cho tòa án để trang bị các phương tiện, đồng thời cả biên chế để tòa án để tuyển được các đối tượng có thể thực hiện được chức năng, nhiệm vụ,” ông Lượng nói.

Nguyên Phó Chánh án cũng cho rằng, nếu đưa công nghệ điện tử vào thụ lý đơn cũng như quá trình quản lý vụ án, thì sẽ bảo đảm tính công khai, minh bạch, đồng thời gắn được thời gian, chi phí cũng như một số thủ tục cho các bên đương sự.

Tại Nghị quyết số 19 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, chỉ số bảo đảm thực thi hợp đồng là một trong những chỉ số quan trọng được đưa ra nhằm cải thiện môi trường kinh doanh ở Việt Nam.

Theo đó, yêu cầu hoàn thiện các văn bản pháp luật có liên quan đến việc tranh chấp thương mại và phá sản doanh nghiệp theo hướng đơn giản hóa thủ tục, quy trình và rút ngắn thời gian giải quyết tranh chấp thương mại từ 400 ngày xuống còn tối đa 200 ngày, nhất là đối với các tranh chấp quy mô nhỏ và giữa các doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua tòa án. Đơn giản hóa thủ tục, quy trình, rút ngắn thời gian giải quyết phá sản doanh nghiệp từ 60 tháng xuống còn 30 tháng vào cuối năm nay và xuống còn 24 tháng vào cuối năm 2016.

Để thực hiện mục tiêu này, ông Nguyễn Văn Luật, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng, một trong những nội dung đã được thể hiện trong dự thảo là xem xét lại các thủ tục tố tụng theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự hiện hành.

"Nếu những thủ tục nào không còn phù hợp, cần kiến nghị với Quốc hội sửa đổi, bổ sung. Mọi quy trình phải hết sức minh bạch, công khai để cho mọi người dân, mọi cơ quan tổ chức biết để thực hiện quyền và lợi ích hợp pháp của mình," ông Luật đề xuất.

Theo ông, mọi quy trình từ gửi đơn khởi kiện đến tòa án cũng phải quy định chặt chẽ, rồi khi tiến hành các thủ tục về hòa giải, thời hạn giao nộp chứng cứ cho tòa án, thời hạn xét xử, mở phiên tòa… đều phải được quy định chặt chẽ, công khai, minh bạch để mọi người biết và thực hiện theo đúng quy định của Bộ luật tố tụng dân sự./.