Hội thảo công bố Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2017 được Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội cùng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) phối hợp tổ chức sáng 16/6 tại Hà Nội.

Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2017 với tiêu đề: “Đẩy mạnh cải cách vì một nhà nước kiến tạo” được thực hiện trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế có xu hướng chững lại, năng suất nền kinh tế chậm cải thiện. Trong bối cảnh đó, sự ra đời của Nghị quyết Trung ương 5 về các vấn đề kinh tế lớn, đặt ra nhiệm vụ trọng tâm là cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, đặc biệt là khối doanh nghiệp tư nhân.

img_1106_bbrg.jpg
TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách giới thiệu nội dng của Báo cáo kinh tế Việt Nam 2017.
Đồng thời, thị trường và các nhà đầu tư đang theo dõi chặt chẽ quyết tâm cũng như khả năng của Chính phủ trong việc cam kết xây dựng một Chính phủ kiến tạo, liêm chính, phục vụ và hành động. Vì thế, báo cáo năm nay tập trung xem xét những vấn đề liên quan tới chủ đề cải cách thể chế nhằm hướng tới một nhà nước kiến tạo.

Được cập nhật số liệu và thông tin đến hết tháng 12/2016 cùng một số vấn đề thời sự được cập nhật đến hết Quý I/2017, Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2017 là tài liệu tham khảo hữu ích cho các nhà quản lý, hoạch định chính sách, các nhà nghiên cứu cũng như cho tất cả những ai quan tâm đến các vấn đề kinh tế vĩ mô tại Việt Nam.

Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2017 cung cấp tổng quan kinh tế thế giới 2016 cũng như tổng quan kinh tế Việt Nam, từ đó phân tích những yếu tố nhằm cải cách thể chế để xây dựng nhà nước kiến tạo phát triển ở Việt Nam.

Trong đó cung cấp hai kịch bản dự báo về viễn cảnh kinh tế vi mô của Việt Nam trong năm 2017. Ở kịch bản tăng trưởng 6,7%, lạm phát ở mức 3,2% có thể đạt được với quyết tâm cao của Chính phủ nhưng sẽ đặt ra vấn đề bền vững trong tăng trưởng. Còn với kịch bản kinh tế tăng trưởng tự nhiên, tăng trưởng kinh tế đạt khoảng 6,37% và lạm phát cả năm dừng ở mức thấp nhất là 2,35%.

Báo cáo cũng bàn đến một số rào cản, từ đó nêu giải pháp tháo gỡ liên quan đến các quy định trong Dự thảo Luật Bảo vệ phát triển rừng, Luật Thủy sản  nhằm thu hút tốt hơn đầu tư tư nhân trong nông nghiệp; Rà soát pháp lý liên quan đến những điểm thiếu hụt trong hệ thống thể chế luật pháp và chính sách của Việt Nam so với EVFTA.

Nội dung báo cáo cũng cho thấy sự trỗi dậy của tầng lớp trung lưu tạo ra sự trung hòa chênh lệch giữa nhóm nghèo và nhóm giàu; Vai trò của các tổ chức phi lợi nhuận trong việc nâng cao chất lượng thể chế tại địa phương với các chính sách phù hợp hơn để tạo điều kiện và động lực cho sự phát triển của các tổ chức phi lợi nhuận nhằm tăng cường tính minh bạch của Hệ thống quản trị nhà nước.

Hiện nay, Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2017 đang tiếp tục hoàn thiện, dự kiến sẽ được phát hành chính thức vào tháng 9/2017./.