Sau Bộ Công thương, Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải, chiều 12/11, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chuyển giao 2 tập đoàn, tổng công ty gồm: Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) và Tổng công ty Viễn thông MobiFone về Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước (Siêu Uỷ ban).
Phát biểu tại lễ bàn giao, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, việc thành lập Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và tới nay, các bộ, ngành đã lần lượt chuyển giao các doanh nghiệp trực thuộc về Uỷ ban xuất phát từ chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước là tách bạch chức năng đại diện chủ sở hữu và chức năng quản lý doanh nghiệp. Nhưng không vì vậy mà vai trò của các bộ bị giảm nhẹ mà để các cơ quan tập trung thực hiện tốt hơn vai trò quản lý Nhà nước. Đồng thời, việc tách bạch 2 chức năng trên cũng góp phần bảo toàn, phát triển vốn Nhà nước hiệu quả hơn, tránh thất thoát, lãng phí.
Bàn giao 2 tập đoàn, tổng công ty ngành viễn thông về “Siêu Uỷ ban” (Ảnh: KT) |
Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ có 2 doanh nghiệp bàn giao về Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước nhưng Phó Thủ tướng cho rằng đây đều là 2 tập đoàn, tổng công lớn có tổng tài sản lên tới 128.162 tỷ đồng; trong đó, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) là 95.633 tỷ đồng, Tổng công ty Viễn thông MobiFone là 32.529 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu của cả 2 Tập đoàn, tổng công ty này là 87.237 tỷ đồng, trong đó VNPT là 72,237 tỷ đồng, Mobifone là 15.000 tỷ đồng.
Hiện VNPT đã được Thủ tướng đã phê duyệt tái sắp xếp lại từ đầu năm nay và đang chuẩn bị mọi điều kiện cần thiết để cổ phần hóa VNPT vào năm 2019. Đặc biệt là kiểm kê tài sản đất đai và thuê tư vấn xác định giá trị tài sản của doanh nghiệp. Tuy nhiên, Mobifone đang bị chậm lại quá trình cổ phần hoá do vướng mắc trong vụ mua lại Kênh truyền hình An Viên (AVG). Do đó, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông xác nhận lại giá trị tài sản sau khi nhận lại tiền của AVG và giải quyết vướng mắc khó khăn để sẵn sàng cổ phần hóa trong thời gian tới.
Khẳng định viễn thông và công nghệ thông tin có vai trò hết sức quan trọng trong cuộc cách mạng 4.0, Phó Thủ tướng cũng ghi nhận VNPT và MobiFone có vai trò quan trọng của trong nền kinh tế số và kinh doanh chia sẻ, Chính phủ điện tử và thanh toán không dùng tiền mặt, đặc biệt là công nghệ tài chính Fintech. Phó Thủ tướng mong muốn, sau khi bàn giao về Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước, VNPT và Mobifone sẽ tiếp tục phát huy thế mạnh, phát triển mạnh mẽ và đổi mới sáng tạo nhiều hơn nữa.
“Sau khi chuyển giao, việc quản lý vốn tài sản nhà nước phải chặt chẽ hơn, tránh tình trạng thất thoát, lãng phí tài sản nhà nước, đặc biệt nâng cao hiệu quả sử dụng vốn và tài sản nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty. Có như vậy mới là đích cuối cùng nhắm đến tập trung lĩnh vực quan trọng thiết nâng cao vốn và tài sản của nhà nước tại các doanh nghiệp này”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng cũng cho rằng vấn đề quan trọng nhất để nâng cao hiệu quả quản lý vốn nhà nước chính là yếu tố con người. Do đó, đề nghị Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước phải sớm nhanh chóng kiện toàn bộ máy lãnh đạo nhân viên để quản lý tốt khối tài sản của nhà nước.
Tại lễ bàn giao, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, việc tập hợp các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) lớn về 1 đơn vị quản lý sẽ tạo nên 1 sức mạnh rất lớn cho đất nước và các DNNN, trong đó có VNPT và Mobifone.
“Bộ sẽ tiếp tục tạo những điều kiện thuận lợi về môi trường pháp lý, thị trường cho doanh nghiệp công nghệ thông tin, viễn thông phát triển, đồng thời tiếp tục sát cánh cùng Ủy ban trong hỗ trợ các doanh nghiệp”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.
Ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước cho biết, Bộ Thông tin và Truyền thông đã hoàn thành hồ sơ chuyển giao VNPT và MobiFone về Ủy ban. Những hồ sơ chưa hoàn thiện sẽ được hoàn thành trong vòng 60 ngày.
19 đơn vị trong diện quản lý của siêu Ủy ban gồm các công ty mẹ các tập đoàn, tổng công ty thuộc diện Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hoặc có cổ phần chi phối lâu dài, đang thuộc quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước của các bộ: Công Thương, Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Tài chính, Thông tin & Truyền thông và Giao thông vận tải.
Với các doanh nghiệp này, siêu Uỷ ban có quyền quyết định vốn điều lệ khi thành lập và điều chỉnh vốn điều lệ trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp, trừ các doanh nghiệp do Thủ tướng quyết định thành lập. Siêu Ủy ban cũng có quyền thực hiện đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.
Uỷ ban này là cơ quan thuộc Chính phủ, thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và phần vốn nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên theo quy định của pháp luật./.
Bàn giao 5 doanh nghiệp lớn ngành giao thông về “Siêu Ủy ban”
Chính thức bàn giao SCIC về “Siêu Ủy ban” quản lý vốn Nhà nước
6 tập đoàn giá trị vốn hóa 555.000 tỷ đồng về Ủy ban quản lý vốn