Hiện nay cả Quốc hội và Chính phủ đều thấy cần thiết phải cải cách thể chế, sửa đổi Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp theo hướng tạo hành lang pháp lý thông thoáng cho doanh nghiệp.

cong%20nhan.jpg

Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Mại – nguyên Thứ trưởng Bộ KH-ĐT, thực tế, các bộ chuyên ngành có khuynh hướng tận dụng khi ban hành các luật mới đề ra điều kiện đầu tư và kinh doanh từ đó thêm giấy phép con.

Trong vài năm gần đây do vấn đề thủ tục hành chính là trở ngại lớn cho việc ra đời và hoạt động của doanh nghiệp nên “thuận lợi hóa” đã trở thành một phương châm  trong quản lý nhà nước đối với đầu tư và kinh doanh.

Chính vì vậy, Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) phải xử lý đồng thời hai nhược điểm chủ yếu của Luật hiện hành, đó là: Chưa hình thành được hành lang pháp lý thông thoáng để tạo tiền đề cho doanh nghiệp được quyền tự chủ thực hiện ý tưởng, sáng kiến trong kinh doanh và đầu tư; Còn nhiều kẻ hở về luật pháp nên vừa không bảo vệ được hành vi kinh doanh chân chính, vừa bị lợi dụng để tiến hành các hoạt động bất chính.

Theo phân tích của ông Nguyễn Mại, trong Luật Đầu tư và luật Doanh nghiệp (dự thảo sửa đổi) vấn đề lĩnh vực đầu tư và kinh doanh có điều kiện và cấm đã có nhiều ý kiến khác nhau. Dự thảo luật quy định “Cấm hoạt động kinh doanh gây phương hại đến quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, truyền thống lịch sử, văn hoá, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam và sức khoẻ của nhân dân, làm huỷ hoại tài nguyên, phá huỷ môi trường”.

Quy định như vậy khá rộng và thiếu minh bạch. Đã có lần Chủ tịch Quốc hội cũng kêu trời: “Cấm thế này thì cấm hết à?”. Hiện nay số ngành nghề đầu tư và kinh doanh có điều kiện khá nhiều (khoảng 330) do vậy có ý kiến nên rút bớt để tạo thuận lợi cho nhà đầu tư và doanh nghiệp; để tránh tình trạng tùy tiện thì cần quy định trong hai luật này. Dự thảo Luật kiến nghị để Chính phủ ban hành Danh mục cấm và kinh doanh có điều kiện.

Về việc bỏquy định ngành nghề trong giấy phép kinh doanh trừ những ngành kinh doanh có điều kiện cần được bàn thảo để có cách tiếp cận sát với tình hình thực tế của đất nước.

Nên giữ Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư

Trong Luật Đầu tư (dự thảo), Giấy Chứng nhận đăng ký đầu tư chỉ áp dụng đối với dự án và ngành, lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, đối với dự án khác thì không cấp giấy này trừ trường hợp nhà đầu tư đề nghị.

Một số nhà đầu tư và doanh nghiệp không coi việc sửa đổi này là tạo thuận lợi cho họ vì  Giấy Chứng nhận đăng ký đầu tưcơ sở pháp lý để làm các thủ tục có liên quan đến dự án đầu tư như cấp đất, xây dựng, môi trường… Hơn nữa, trong điều kiện năng lực quản lý nhà nước của nhiều địa phương còn khá hạn chế trong việc theo dõi, hướng dẫn nhà đầu tư và doanh nghiệp trong quá trình triển khai dự án thì việc bỏ Giấy Chứng nhận đăng ký đầu tư đối với dự án thông thường sẽ không đưa lại hiệu quả cho nhà đầu tư và làm giảm hiệu năng quản lý nhà nước.

Trên thực tế việc đăng ký và cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ở nhiều địa phương khá dễ dàng và không tốn nhiều thời gian, nếu áp dụng rộng rãi  đăng ký qua mạng internet thì còn thuận lợi hơn. Do vậy, nên cân nhắc kỹ hơn trước khi quyết định bỏ loại giấy này đối với dự án thông thường.

Đối với nhà đầu tư nước ngoài, Luật Đầu tư (dự thảo) cũng áp dụng quy định về Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư như trong nước là vấn đề cần được cân nhắc thêm. Nếu nhà đầu tư trong nước là tổ chức hay cá nhân khi tiến hành thủ tục đăng ký dự án đầu tư thì đã có địa chỉ cư trú của công dân hoặc trụ sở của tổ chức, trong khi nhà đầu tư nước ngoài thì chưa có các yếu tố đó trừ trường hợp họ đã được lập doanh nghiệp (theo luật Doanh nghiệp). Quy định như vậy có nghĩa là nhà đầu tư nước ngoài không được phép lập dự án đầu tư khi chưa thành lập doanh nghiệp.

Cho đến nay nước ta chỉ áp dụng trường hợp nhà đầu tư nước ngoài được cấp phép cho dự án đầu tư mới làm thủ tục thành lập doanh nghiệp; trong thực tế đã có một số nhà đầu tư làm nhiều dự án khác nhau phải thành lập những doanh nghiệp riêng, sau đó mới sáp nhập thành một doanh nghiệp.

Do vậy, theo quan điểm của ông Nguyễn Mại, đối với nhà đầu tư nước ngoài nên áp dụng cả hai trường hợp: Nhà đầu tư nước ngoài sau khi được cấp phép đầu tư làm thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp; Nhà đầu tư nước ngoài đăng ký thành lập doanh nghiệp sau đó thực hiện các dự án đầu tư tại Việt Nam.

“Cũng như lập luận về Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, việc bỏ quy định ngành nghề kinh doanh có tạo ra thuận lợi cho doanh nghiệp chân chính hay làm rối thêm quản lý nhà nước?” – ông Nguyễn Mại đặt câu hỏi. 

Đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì cần lưu ý hiện tượng có khá nhiều doanh nghiệp nhỏ đã được cấp phép trong khi nước ta cần coi trọng hơn chất lượng FDI, cần dành cho doanh nghiệp trong nước dự án đầu tư và phạm vi kinh doanh mà họ có đủ năng lực thực hiện bằng hoặc tốt hơn FDI. Do vậy nếu không quy định minh bạch và công khai một số điều kiện thành lập doanh nghiệp FDI mà áp dụng không ghi ngành nghề kinh doanh, không quy định vốn tối thiểu từng ngành, lĩnh vực thì không biết điều gì sẽ xảy ra khi có biết bao nhiêu khách “ du lịch ba lô” sẽ dễ dàng lập doanh nghiệp với dăm ba chục triệu đồng vốn kinh doanh, bởi vì pháp luật không cấm(!).

“Do đó, rất cần có quy định riêng đối với việc người nước ngoài lập doanh nghiệp tại Việt Nam với các thủ tục cần thiết để lựa chọn được nhà đầu tư chân chính, có đủ tiềm lực thực hiện các dự án ưu tiên theo định hướng thu hút FDI của nước ta” – ông Nguyễn Mại nhấn mạnh.

30 ngày điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư là quá dài?

Theo quy đinh tại dự thảo thời hạn cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư là 30 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, đối với thủ tục điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cũng có thời hạn tương tự.

Bà Hương Vũ - Phó Tổng Giám đốc Công ty Kiểm Toán Quốc Tế Ernst & Young Việt Namcho rằng thời hạn này là chưa hợp lý. Cụ thể, đối với việc đăng ký lần đầu, cơ quan cấp phép cần tổ chức thẩm tra toàn bộ nội dung hồ sơ dự án cần 30 ngày làm việc.  Đối với trường hợp điều chỉnh dự án, cơ quan cấp phép chỉ cần thẩm tra phần nội dung thay đổi, thời gian thẩm định nên ngắn hơn so với thời gian thẩm địnhcấp phép ban đầu.

Không chỉ là vấn đề về thời hạn, chúng tôi muốn lưu ý rằng các hồ sơ tài liệu liên quan đến các nội dung thay đổi cũng cần được quy định rõ và cần có quy định thống nhất về mẫu báo cáo liên quan.Tránh tình trạng như thực tế hiện nay mỗi địa phương lại yêu cầu một hình thức báo cáo khác nhau về tình hình thực hiện dự án.Chẳng hạn, khi doanh nghiệp đăng ký thay đổi giám đốc hoặc địa điểm kinh doanh trên cùng địa bàn tỉnh, thành phố, cơ quan cấp giấy chứng nhận đầu tư đã thực hiện việc thẩm tra và soát xét tính hiệu quả của dự án.Nếu doanh nghiệp lỗ liên tiếp thì các cơ quan quản lý từ chối hoặc trì hoãn chấp thuận đăng ký thay đổi giám đốc hoặc địa điểm kinh doanh.

Theo phản ánh của bà Hương Vũ, thực tế hiện nay, có những doanh nghiệp đã được cấp phép, đang hoạt động bình thường, khi phát sinh một số nội dung thay đổi đã thực hiện thủ tục điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư theo quy định. Tuy nhiên, thủ tục điều chỉnh quá nhiều rắc rối và rườm rà gây cản trở hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.Và trong nhiều trường hợp,thủ tục điều chỉnh dự án kéo dài và phức tạp hơn việc cấp phép ban đầu.  Vì vậy, theo bà Hương Vũ, không ít doanh nghiệp “ngại” và “bỏ qua” việc sửa đổi nội dung Giấy chứng nhận Đầu tư./.