Theo báo cáo của Ngân hàng thế giới (World Bank) công bố ngày 29/5, cuộc khủng hoảng y tế và kinh tế toàn cầu do dịch bệnh Covid-19 gây ra là mối đe dọa lớn nhất đối với sự phát triển của Campuchia trong gần 30 năm qua.
Campuchia sẽ tăng trưởng âm trong khoảng -1,0 đến -2,9% do các lĩnh vực đầu tàu của nền kinh tế như: du lịch, công nghiệp xuất khẩu, xây dựng đang gặp khó khăn trầm trọng do dịch bệnh Covid-19.
Kinh tế Campuchia bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh Covid-19 |
Theo các chuyên gia kinh tế, Campuchia bị ảnh hưởng nặng nề là do phụ thuộc quá lớn vào thị trường quốc tế. Ngành du lịch giảm mạnh trong hai tháng đầu năm, sau đó là sự sụt giảm đơn hàng may mặc và giày dép khi thị trường xuất khẩu lớn nhất của Campuchia là EU và Mỹ trở thành điểm nóng của Covid-19.
Ngân hàng Thế giới cũng cảnh báo, trong năm 2020, tỉ lệ hộ nghèo của Campuchia sẽ tăng từ 3% - 11% , đặc biệt là các hộ gia đình làm việc trong lĩnh vực du lịch, xây dựng, dệt may… Cùng với đó, thâm hụt tài khóa có thể đạt mức cao nhất trong vòng 22 năm qua và nợ công dự kiến sẽ chiếm 35% tổng sản phẩm quốc nội ( GDP) vào năm 2022.
Sự sụp đổ của các mũi nhọn xuất khẩu đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tốc độ tăng trưởng kinh tế của Campuchia và khiến ít nhất 1,76 triệu lao động đối diện tình trạng mất việc làm. Các dòng vốn nước ngoài bị thu hẹp cũng sẽ làm sụt giảm giá trị thị trường bất động sản và khả năng dẫn đến chấm dứt chuỗi tăng trưởng nhanh chóng của ngành xây dựng.
Để đối phó với tình trạng này, mới đây, Chính phủ Campuchia đã đưa ra 4 giải pháp cấp bách để khôi phục và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế sau khủng hoảng do Covid-19 gây ra./.