Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, mặc dù tình hình kinh tế-xã hội năm 2012 gặp nhiều khó khăn nhưng công tác xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội luôn được Đảng và Chính phủ, các cấp, các ngành, địa phương quan tâm, chỉ đạo và thực hiện thường xuyên.
Theo đó, tổng kinh phí phục vụ cho công tác an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo năm 2012 là 8.800 tỷ đồng, bao gồm: 1.300 tỷ đồng quà thăm hỏi và hỗ trợ các đối tượng chính sách; gần 1.000 tỷ đồng hỗ trợ các hộ nghèo và 6.500 tỷ đồng dành cho cứu đói, cứu trợ xã hội khác.
Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, góp phần an sinh xã hội (Ảnh: Hanoimoi) |
Đến nay, sau 5 năm thực hiện Chương trình tín dụng học sinh, sinh viên, chương trình đã thực sự đồng hành và giúp cho một bộ phận nhân dân thu nhập thấp có được sự bình đẳng về đào tạo. Tính đến 30/6/2012, tổng dư nợ của chương trình đạt gần 35.000 tỷ đồng, tạo điều kiện cho 2,3 triệu học sinh, sinh viên của gần 1,9 triệu hộ gia đình hoàn cảnh khó khăn có điều kiện tiếp tục đến trường.
Việc điều chỉnh tăng mức lương tối thiểu từ 830.000 đồng/tháng lên 1,05 triệu đồng/tháng từ 1/5/2012 đối với cán bộ, công chức, viên chức, các đối tượng thuộc lực lượng vũ trang và người lao động làm việc ở các cơ quan, đơn vị, tổ chức của Nhà nước cũng đã phần nào cải thiện đời sống cho người lao động.
Ở khu vực nông thôn, tình trạng thiếu đói giáp hạt trong năm 2012 đã giảm đáng kể so với năm trước. Tính chung cả năm, cả nước có 450.300 lượt hộ thiếu đói, giảm 27,6% so với năm 2011, tương ứng với 1911,8 nghìn lượt nhân khẩu bị thiếu đói, giảm 26,9%. Tình trạng thiếu đói xảy ra chủ yếu ở các tỉnh thuộc vùng Trung du và miền núi phía Bắc; vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung; vùng Tây Nguyên.
Để khắc phục tình trạng thiếu đói, trong năm 2012, các cấp, các ngành và địa phương đã hỗ trợ các hộ thiếu đói 22.600 tấn lương thực và 24,4 tỷ đồng. Tỷ lệ hộ nghèo cả nước năm 2012 ước tính là 11,3 - 11,5%, giảm 1,1 - 1,3% so với năm 2011, thấp hơn mức giảm 1,6% của năm 2011 so với năm 2010./.