Báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài (FIA), Bộ Kế hoạch - Đầu tư cho thấy, tính đến ngày 20/7, cả nước có 584 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký 5,2 tỷ USD, bằng 55,9% so với cùng kỳ năm 2011.Đáng lưu ý có tới 231 lượt dự án đăng ký tăng vốn đầu tư với 2,83 tỷ USD, tăng 5,2% so với cùng kỳ 2011.
Tính chung 7 tháng, vốn FDI đăng ký vào Việt Nam đạt 8,03 tỷ USD, bằng 66,9% so với cùng kỳ 2011.
FIA cũng cho biết, đến nay các dự án FDI đã giải ngân được 6,25 tỷ USD, bằng 99,2% so với cùng kỳ năm 2011.
Lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài với 258 dự án đầu tư đăng ký mới, tổng số vốn cấp mới và tăng thêm là 5,50 tỷ USD, chiếm 68,5% tổng vốn đầu tư đăng ký trong 7 tháng.
Lĩnh vực kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 với 7 dự án đầu tư đăng ký mới, tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm là 1,61 tỷ USD, chiếm 20,1% vốn đầu tư.
Đứng thứ 3 là lĩnh vực bán buôn bán lẻ, sửa chữa, với 102 dự án đăng ký mới, tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm đạt 314,2 triệu USD, chiếm 3,9%. Tiếp theo là lĩnh vực vận tải, kho bãi; y tế và trợ giúp xã hội với tổng số vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 198,1 triệu và 83,8 triệu USD.
Bình Dương là địa phương thu hút nhiều vốn FDI nhất với 1,8 tỷ USD vốn đăng ký mới và tăng thêm chiếm 27,6% tổng vốn đầu tư. Đồng Nai đứng thứ 2 với tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 956,8 triệu USD, chiếm 18,1%. Hải Phòng đứng thứ 3 với 897,6 triệu USD vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm.
Nhật Bản vẫn dẫn đầu các quốc gia vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn đầu tư 4,29 tỷ USD, Samoa đứng thứ hai với 889,8 triệu USD, Hàn Quốc đứng vị trí thứ ba.../.