Theo Báo cáo Triển vọng giao thương mới nhất của HSBC, thương mại có liên quan tới cơ sở hạ tầng sẽ tăng trưởng gấp 3 lần tính tới năm 2030, và sẽ tăng tỷ lệ đóng góp trong thương mại thế giới.

Giao thương quốc tế sẽ tăng trưởng ở mức khiêm tốn cho tới năm 2015

Báo cáo chỉ ra nhu cầu đối với hàng hóa và thiết bị nước ngoài sẽ tăng lên khi các quốc gia tăng cường năng lực sản xuất và cơ sở hạ tầng dân sự.

Với sự tập trung đặc biệt vào cơ sở hạ tầng, báo cáo cho thấy từ năm 2013 và 2030, giao thương liên quan tới cơ sở hạ tầng sẽ tăng trưởng trung bình ở mức 9%/năm và tăng tỷ lệ đóng góp cho thương mại nói chung từ mức 45% tổng số hàng hóa xuất khẩu năm 2013 lên 54% vào năm 2030.

Theo khảo sát Chỉ số tin cậy thương mại của HSBC (TCI) tiến hành hồi tháng 6/2013, các doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu trên toàn thế giới đang tăng nhẹ niềm tin vào triển vọng giao thương quốc tế. Lòng tin của các doanh nghiệp toàn cầu và châu Á đã tăng nhẹ tới 112, từ mức 111 vào nửa cuối năm 2012.

Khảo sát TCI cũng cho thấy 85% các doanh nghiệp trên toàn thế giới kỳ vọng khối lượng thương mại tăng hoặc không đổi trong vòng 6 tháng tới. Các doanh nghiệp Ấn Độ (+7), Hong Kong (+4), Indonesia (+3), Malaysia (+3) và Singapore (+1) tăng lòng tin đối với triển vọng thương mại 6 tháng tới. Sự sụt giảm niềm tin trong ngắn hạn được thấy ở các doanh nghiệp Trung Quốc (-6), Việt Nam (-2) và Australia (-2).

Khảo sát dự báo giao thương quốc tế sẽ tăng trưởng ở mức khiêm tốn cho tới năm 2015 trước khi lấy đà nhanh hơn từ năm 2016 tới 2020.

bieudohsbc2.jpg

Noel Quinn, Giám đốc Khối Dịch vụ tài chính doanh nghiệp của HSBC khu vực châu Á Thái Bình Dương, đánh giá: “Trong khi nền kinh tế toàn cầu tiếp tục nỗ lực để lấy lại đà tăng trưởng, những kết quả của báo cáo cho thấy chi phí cho cơ sở hạ tầng tiếp tục tăng trưởng tốt bất chấp các xu hướng tiêu cực. Các thị trường mới nổi của châu Á hiện đang là nhân tố lớn duy nhất thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu mà trong đó yếu tố chủ đạo là sự phát triển của hạ tầng cơ sở chất lượng cao nhằm phục vụ cho thúc đẩy thương mại, nâng cao năng suất và cải thiện chất lượng cuộc sống. Các doanh nghiệp xuất nhập khẩu cần xem xét lại chiến lược đối với những thị trường mới nổi để đảm bảo họ sẽ được hưởng lợi từ xu hướng đang gia tăng này.”

Nhu cầu về cơ sở hạ tầng đang dịch chuyển

Báo cáo chỉ ra sự khác biệt giữa hàng hóa phục vụ cơ sở hạ tầng – những nguyên vật liệu cần thiết đối với các dự án cơ sở hạ tầng, và thiết bị đầu tư – máy móc mà các doanh nghiệp cần để thúc đẩy sản xuất1. Hiện tại nước Mỹ đang là nhà nhập khẩu lớn nhất đối với hàng hóa liên quan tới cơ sở hạ tầng trong cả hai lĩnh vực này, nhưng báo cáo đã chỉ ra rằng cho tới năm 2020, Ấn Độ sẽ trở nhành nhà nhập khẩu hàng đầu đối với hàng hóa phục vụ cơ sở hạ tầng khi quốc gia này tiến hành đầu tư xây dựng các mạng lưới quốc nội. Trung Quốc sẽ trở thành nhà nhập khẩu hàng đầu đối với thiết bị đầu tư vào năm 2020 nhằm thúc đẩy năng lực sản xuất. 

Theo thời gian, các nền kinh tế châu Á đang phát triển nhanh khác sẽ tăng tỷ lệ nhập khẩu hàng hóa liên quan tới cơ sở hạ tầng với Malaysia, Hàn Quốc và Việt Nam tăng tỷ lệ này lên. Ngoài Mỹ, Mexico hiện là nước bên ngoài châu Á nhập khẩu hàng hóa liên quan tới cơ sở hạ tầng lớn nhất, trên cả Brazil.

Nhìn chung, báo cáo chỉ ra thương mại đối với thiết bị đầu tư sẽ tăng nhanh hơn thương mại hàng hóa phục vụ cơ sở hạ tầng trong những năm tiến tới 2030, một phần vì kinh tế Trung Quốc tập trung và tăng trưởng phục vụ người tiêu dùng và công nghệ tương lai. 

Cũng theo Báo cáo này, châu Á sẽ tăng trưởng nhiều nhất về hàng hóa thương mại trong thập kỷ trước 2030 được thúc đẩy bởi Ấn Độ, Trung Quốc và Việt Nam với tốc độ tăng trưởng trung bình 10%/năm. Tuy nhiên, các nền kinh tế phát triển của châu Âu như Anh, Pháp và Đức vẫn được dự báo mở rộng xuất khẩu hàng hóa ở tốc độ trung bình 4-5% một năm trong giai đoạn này trong khi tốc độ tăng trưởng trung bình xuất khẩu hàng hóa Mỹ tiệm cận 6% một năm./.