Cục Quản lý Chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) vừa có công văn số 769 về việc xuất khẩu thủy sản vào thị trường Argentina.

Theo đó, căn cứ kết quả chuyến thanh tra tại Việt Nam tháng 08/2012, Cơ quan vệ sinh và chất lượng nông sản quốc gia Argentina (SENASA) đã có văn bản chính thức công nhận Danh sách 203 cơ sở chế biến thủy sản của Việt Nam được phép xuất khẩu vào thị trường Argentina (danh sách cụ thể tại website của Cục), có hiệu lực từ ngày 13/5/2013.

Để tránh các vướng mắc trong việc xuất khẩu thủy sản vào thị trường Argentina, Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản yêu cầu các cơ sở chế biến thủy sản trong Danh sách xuất khẩu vào Argentina đăng ký kiểm tra, chứng nhận lô hàng thủy sản xuất khẩu vào thị trường Argentina với các Trung tâm vùng thuộc Cục; chủ động liên hệ với các nhà nhập khẩu để cập nhật và thực hiện đầy đủ các quy định, thủ tục có liên quan của Argentina khi xuất khẩu vào thị trường này.

Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản cũng khuyến cáo các cơ sở nên tham khảo một số khuyến cáo của Đoàn thanh tra Argentina trong chuyến thanh tra tháng 8/2012 và khắc phục các sai lỗi về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm của cơ sở (nếu có), nhằm đáp ứng yêu cầu của Argentina.

Cụ thể, một số sai lỗi chính do Đoàn thanh tra Argentina khuyến cáo gồm:

Về cơ sở vật chất của các cơ sở chế biến: Khu vực bên ngoài của một số cơ sở chế biến không có sự tách biệt với khu vực sản xuất, điều kiện vệ sinh không đảm bảo (khu vực xử lý phụ phẩm cá); Việc kiểm soát động vật gây hại chỉ chủ yếu được thực hiện trong phạm vi khu vực sản xuất, các khu vực khác chưa được kiểm soát hiệu quả.

Còn lối vào công nhân: Công nhân phải đi chân đất lội qua bồn nước rửa tại cửa ra vào các phân xưởng và đi vào hành lang để tới phòng thay bảo hộ lao động; Công nhân chưa được trang bị đầy đủ bảo hộ lao động.

Đối với khu vực chế biến: Kho lạnh còn nhiều tuyết bám, sắp xếp chưa gọn gàng còn có sản phẩm chưa bao gói tiếp xúc trực tiếp với hộp carton; Da cá và các sản phẩm chưa bao gói để lẫn với các thành phẩm trong kho; Ngưng tụ nước tại khu vực cấp đông; Nước thải (rửa bán thành phẩm khu sửa cá) chảy tràn nhiều trên nền; Khu vực fillet cá: tần suất/hiệu quả vệ sinh dụng cụ chưa đạt yêu cầu (bàn chế biến và dụng cụ chế biến chưa được vệ sinh sạch); Bồn ngâm dụng cụ (nồng độ Chlorine cao) để gần bồn chứa nước đá vảy nên có khả năng lây nhiễm; Khu vực phối trộn phụ gia chưa được quy định phù hợp trong chương trình quản lý chất lượng./.