Tại phiên thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quản lý thuế sáng 25/10, theo tính toán của đại biểu Nguyễn Thanh Hải (đoàn Hòa Bình) thì trung bình khoảng 10 năm doanh nghiệp mới bị kiểm tra trở lại 1 lần.

Đại biểu phân tích: Luật quản lý thuế hiện nay cho phép doanh nghiệp được chuyển quyền tự tính, tự khai, tự nộp thuế theo quy định của ngành thuế là 1 năm kiểm tra sẽ bình quân được khoảng 10-15% số doanh nghiệp phải chấp hành pháp luật thuế. Với tổng số doanh nghiệp hiện nay khoảng 380 nghìn doanh nghiệp và khoảng 3 triệu hộ kinh doanh cá thể thì trung bình khoảng 10 năm mới bị kiểm tra vòng trở lại một lần”.

Trong khi đó, cũng theo phân tích của đại biểu Hải, việc kiểm tra quyết toán thuế chỉ có thời hiệu trong 5 năm thì cũng sẽ không xử lý được trong những năm trước đó, nếu phát hiện ra những sai phạm.

mua%20ban%20no.jpg

Về xử phạt đối với hành vi chậm nộp thuế, dự thảo quy định tiền chậm nộp thuế lũy tiến 0,05%/ngày trên số tiền thuế chậm nộp đối với số ngày chậm nộp không quá 90 ngày, 0,07% ngày tính trên số thuế chậm nộp đối với số ngày chậm nộp vượt quá thời hạn 90 ngày. Theo đại biểu Nguyễn Cao Phúc (đoàn Quảng Ngãi) qui định này là chưa đủ sức răn đe. Vì hiện tại lãi suất cho vay với các doanh nghiệp khoảng xấp xỉ 4%/ngày nhưng việc vay cần phải có thủ tục, tài sản thế chấp và nhiều khoản khác. Nếu áp dụng mức phạt chậm nộp thuế là 0,05%/ngày thì chênh lệch không đáng kể, dễ dẫn đến các đơn vị chây ỳ chiếm dụng tiền thuế, kỷ cương, kỷ luật tài chính không nghiêm. “Vì vậy, tôi đề nghị nâng mức phạt chậm nộp thuế 0,07%/ngày và không phân biệt số ngày chậm nộp trong thời hạn 90 ngày hoặc quá 90 ngày”-đại biểu Phúc nói.

Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Văn Bình (đoàn Hải Phòng) lại cho rằng, mức phạt 0,07% là quá cao, không đảm bảo tính khả thi của luật. Qua thực tế cho thấy đa số các doanh nghiệp chậm nộp đều là những doanh nghiệp gặp khó khăn về sản xuất kinh doanh, nếu quy định mức 0,07% này bằng 25% năm sẽ làm cho doanh nghiệp khó khăn tiếp tục chồng lên khó khăn, vượt quá khả năng của người nộp thuế, dẫn đến nợ đọng thuế tăng cao hơn.

Một số đại biểu đề nghị bổ sung chế tài xử lý hành vi đã kê khai thuế nhưng không nộp thuế, bỏ trốn khỏi nơi đăng ký kinh doanh. Vì thời gian qua và hiện nay doanh nghiệp bỏ trốn rất nhiều nhưng luật chưa quy định chế tài xử lý, dễ bị lợi dung thành lập doanh nghiệp, xuất hóa đơn cho doanh nghiệp khác làm thủ tục hoàn thuế gây thất thoát ngân sách nhà nước.

 

Thời hạn nộp thuế với hàng xuất-nhập khẩu

 

Về thời hạn nộp thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu trước đây cho phép thời hạn nộp thuế đối với hàng hóa nhập khẩu là vật tư nguyên liệu sản xuất hàng hóa nhập khẩu là 275 ngày kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan. Dự thảo luật lần này sửa đổi theo hướng hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu phải nộp tiền thuế trước khi được thông quan giải phóng hàng hóa.

Mặt tích cực của việc sửa đổi là hạn chế hiện tượng lợi dụng chính sách gia hạn thuế để cố tình nợ thuế. Mặt khác quy định này sẽ phần nào ảnh hưởng đến chính sách khuyến khích xuất khẩu của nhà nước gây khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế đang giảm sút như hiện nay quy định này sẽ khiến cho doanh nghiệp đã khó khăn lại càng khó khăn hơn. “Vì vậy, tôi đề nghị cần cân nhắc nghiên cứu lại quy định này một cách cẩn trọng để hài hòa lợi ích nhà nước và của doanh nghiệp” – ý kiến của đại biểu Thân Đức Nam (đoàn Đà Nẵng).

Về nội dung này, kiến nghị của đại biểu Trần Du Lịch (đoàn TP HCM) là chưa cần thiết phải thay đổi quy định hiện hành bỏ ân hạn 275 ngày. Đại biểu đưa ra dẫn chứng là bản kiến nghị của Hiệp hội ngành hàng Việt Nam, đại diện cho 5 hiệp hội da giày, dệt may, bông vải sợi, mỹ nghệ chế biến gỗ, thủy sản. Tất cả ngành hàng này liên quan các xí nghiệp sản xuất xuất khẩu và 5 triệu lao động, đóng góp 35% tổng kim ngạch xuất khẩu của ta. Hiện nay với quy định bình thường thì các hàng hóa nhập khẩu nguyên vật liệu từ khi thông quan thì được ân hạn 275 ngày. Dĩ nhiên hiện nay có một thiểu số lợi dụng ân hạn này để kéo dài, chây lười trong vấn đề nộp thuế, có tiêu cực. Tuy nhiên, một nguyên tắc của quản lý thuế và thu thuế là hướng vào thuận lợi cho số đông, chứ không bao giờ vì thiểu số mà hy sinh, làm khó khăn cho số đông.

Theo tính toán của đại biểu Trần Du Lịch, nếu thay đổi điều, khoản này thì tất cả các ngành nhập khẩu, chế biến sản xuất xuất khẩu, nếu tính lãi vay không ở mức bình quân ngoại tệ và mức bình quân 12% thì chi phí tài chính tăng thêm 1,5 tỷ USD và chi phí giá thành xuất khẩu tăng 1,5%. “Trong điều kiện cạnh tranh khó khăn thế này, chúng ta đang cố gắng đồng hành cùng doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn thì không lý do gì chúng ta lại thay đổi một cái đang bình thường để gây khó khăn cho doanh nghiệp” – đại biểu Lịch nói. Đồng thời, đại biểu Du Lịch kiến nghị, trước mắt cần tăng cường các biện pháp xử lý đối với những doanh nghiệp lợi dụng qui định này để kéo dài, chây lười trong việc nộp thuế.

Trong phiên thảo luận sáng nay, các đại biểu tập trung thảo luận về thời hạn nộp thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, thời hạn bảo lãnh; về thẩm quyền của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc quyết định gia hạn nộp thuế; về trách nhiệm của các cơ quan quản lý thuế trong giải quyết hồ sơ hoàn thuế; về xử lý các việc chậm nộp tiền thuế, xử phạt đối với các hành vi khai sai./.