Ngày 17/12, VCCI Cần Thơ phối hợp với các tỉnh, thành vùng ĐBSCL và thành viên Mạng lưới Khởi nghiệp ĐBSCL tổ chức vòng chung kết cuộc thi khởi nghiệp ĐBSCL 2019. Cuộc thi nhằm tìm kiếm ý tưởng mới, sáng tạo, những dự án có giá trị; đồng thời khơi gợi tinh thần khởi nghiệp và quyết tâm thành lập doanh nghiệp của giới trẻ ĐBSCL, cũng như hỗ trợ ươm tạo các dự án tiềm năng.

Cuộc thi nhận được 313 hồ sơ của hơn 900 thí sinh, thuộc 4 lĩnh vực như công nghệ ứng dụng; Ứng dụng công nghệ cao trong Nông nghiệp và Thủy sản; Công nghệ chế biến thực phẩm và Giải pháp kinh doanh. Trong đó, nông nghiệp và giải pháp kinh doanh là hai lĩnh vực chiếm tỷ lệ 35%; chế biến thực phẩm chiếm 25% và công nghệ ứng dụng chiếm 6%.

vov_du_an_xay_dung_mo_hinh_kinh_doanh_cay_duoc_lieu_hieu_qua_tai_an_giang_cua_thi_sinh_quach_yen_phuong_dat_giai_nhi_ukyx.jpg
Dự án “Xây dựng mô hình kinh doanh cây dược liệu hiệu quả tại An Giang” của thí sinh Quách Yến Phượng đoạt giải nhì.

Ban Tổ chức chọn 12 dự án xuất sắc để tham gia tranh tài vòng chung kết. Các thí sinh, nhóm thí sinh đại diện cho 12 dự án đã giới thiệu sản phẩm, thuyết trình về chiến lược kinh doanh và phản biện trước Hội đồng Giám khảo. Sau phần thuyết trình, Ban Tổ chức kết nối giữa các startup với nhà đầu tư, quỹ đầu tư, doanh nghiệp… để các nhà đầu tư tiếp cận và chọn lựa dự án để đầu tư; đồng thời hoạt động kết nối giúp các thí sinh quảng bá, tuyên truyền sản phẩm đến các đối tác trong và ngoài nước.

Theo ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ, cuộc thi khởi nghiệp ĐBSCL các thí sinh có hàm lượng gia tăng về kỹ thuật và thương mại, và các thí sinh đã phát hiện ra một nhu cầu rất lớn của thị trường và những kiến thức đã được áp dụng trong thực tế.

Ông Lam cũng cho biết, hiện VCCI Cần Thơ đang thúc đẩy, xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp chung cho vùng ĐBSCL, qua các năm sẽ gây dựng phong trào khởi nghiệp, sau đó thành lập các câu lạc bộ của các nhà tư vấn, các nhà khởi nghiệp có kinh nghiệp để hỗ trợ các bạn trẻ.

“Khi các dự án được hình thành, việc quan trọng là làm sao có những người hướng dẫn các bạn để hình thành dự án chỉnh chu và dẫn dắt các bạn trong quá trình khởi nghiệp. Vấn đề về vốn, hiện nay rất là nhiều quỹ đầu tư, họ có sẵn nguồn tài chính, tuy nhiên họ cần những ý tưởng để góp vốn vào. Công việc kế tiếp là sau cuộc thi, chúng tôi chọn ra những dự án có tiềm năng, có tính khả thi cao mời các nhà đầu tư kết nối” - ông Lam nói

Kết quả chung cuộc, không có dự án đủ điểm đoạt giải nhất. Ban tổ chức đã trao giải nhì cho dự án “Xây dựng mô hình kinh doanh cây dược liệu hiệu quả tại An Giang” của thí sinh Quách Yến Phượng (An Giang). Giải ba thuộc về dự án “Tổ phun xịt thuốc bảo vệ thực vật bằng thiết bị bay không người lái” và hai dự án “Nghệ thuật tạo hình Bonsai bằng dây đồng” và “Xây dựng thương hiệu mỹ phẩm Hafabo – Trẻ hóa từ thiên nhiên với dầu gội không bọt Yopoo, 100% thảo dược thiên nhiên” đạt giải khuyến khích./.