Sinh ra và lớn lên trong 1 gia đình dân tộc Thái tại bản Áng, xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La, tốt nghiệp Đại học và Cao học ngành Nông nghiệp, chàng thanh niên Vì Văn Bình không xin vào cơ quan nhà nước, mà chọn con đường về quê lập nghiệp.
Tận dụng đồi đất sẵn có của gia đình, anh đầu tư vào mô hình sản xuất nấm và các loại rau củ quả sạch cho hiệu quả kinh tế cao, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động ở địa phương.
Tốt nghiệp Khoa Nông lâm- Trường Đại học Tây Bắc năm 2010, Vì Văn Bình nghĩ ngay tới việc trồng nấm, bởi anh thấy được lợi thế quê mình sẵn có đồng đất và các nguyên liệu để trồng nấm như rơm rạ, lõi ngô. Với 10 triệu đồng tiền vốn được gia đình cho vay, anh Bình đã cùng với 1 nhóm bạn khác góp vốn cùng xây dựng mô hình trồng nấm.
Anh Vì Văn Bình kiểm tra nấm trồng. |
Không nản chí, anh Bình mày mò học hỏi, áp dụng những kiến thức được học trong nhà trường, nghiên cứu thêm phương pháp trồng nấm trên sách, báo, tivi, mạng Internet… và nhờ vậy mà anh đã gặt hái được những thành công ban đầu.
“Trong thời gian đi học, mình được tiếp xúc và có thời gian nhìn nhận về các mô hình nông nghiệp. Nhân thấy ở quê hương có rất nhiều tiềm năng để phát triển nông nghiệp, trong đó có việc phát triển cây nấm từ nguyên liệu rơm rạ và lõi ngô của bà con địa phương”, anh Bình chia sẻ.
Hiện nay, với 3 địa điểm trồng nấm, tổng diện tích hơn 4.000m2, trang trại nấm của anh Bình đang trồng chủ yếu là các loại nấm sò, nấm rơm, nấm mỡ, nấm kim châm. Với 3-4 vụ nấm mỗi năm, sản lượng bình quân đạt khoảng 130 tấn/năm, giá bán ra thị trường khoảng 35.000 đồng/kg.
Thấy nhiều người dân có nhu cầu trồng nấm, anh Bình còn sản xuất bịch nấm để bán, bình quân một năm trang trại nấm của anh xuất bán từ 35.000 – 40.000 đồng/bịch nấm cho các địa phương trong, ngoài tỉnh, với giá bán mỗi bịch nấm từ 10.000 – 15.000 đồng.
Theo anh Bình, nấm là loại cây trồng rất nhạy cảm với các yếu tố môi trường như nước tưới, nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, sâu bệnh… Do đó, nếu người sản xuất không nắm vững quy trình kỹ thuật thì hiệu quả kinh tế sẽ thấp.
Để thuận tiện trong việc giới thiệu sản phẩm chất lượng, an toàn đến với người tiêu dùng, anh Bình cùng nhóm bạn đã quyết định thành lập Công ty CP Nông nghiệp Sơn La chuyên sản xuất và kinh doanh thực phẩm sạch, an toàn phục vụ cho người tiêu dùng với các mặt hàng chủ yếu làm nấm và các loại rau củ và anh với trách nhiệm là Giám đốc.
Ngoài hệ thống các chợ đầu mối, cửa hàng, siêu thị trong tỉnh, hiện sản phẩm của Công ty anh Bình đã có mặt ở thị trường các tỉnh Điện Biên và Lai Châu, được người tiêu dùng tin tưởng, cho doanh thu bình quân hơn 5 tỷ đồng/năm.
Ngoài tạo việc làm thường xuyên cho 25 - 30 lao động thanh niên ở địa phương với mức lương từ 3 - 3,5 triệu đồng/người/tháng, công ty anh Bình còn tạo việc làm thời vụ cho từ 10 – 15 lao động.
Chị Vì Thị Thuý, công nhân Công ty Cổ phần Nông nghiệp Sơn La cho biết, từ khi vào làm tại Công ty CP Nông nghiệp Sơn La, công việc ổn định, đều đặn, thu nhập cao nên đã cải thiện được cuộc sống so với trước đây.
Quê hương Chiềng Ban của anh Vì Văn Bình là vùng kinh tế nông nghiệp trọng điểm của huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La với hơn 1.500 ha cây cà phê, cây ăn quả và lúa nước. Chính vì thế, mô hình làm kinh tế hiệu quả của anh Bình được nhiều thanh niên, bà con tại địa phương quan tâm, tìm đến học hỏi, làm theo, tạo ra sự phong phú trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi ở địa phương.
Chàng trai 8x trồng nấm rơm từ bông vải sợi thu hàng chục triệu/tháng
Từ mô hình trồng nấm thành công, đến nay, công ty của anh Bình lại tiếp tục đầu tư, thành lập Hợp tác xã 26/3 chuyên trồng rau an toàn. Mục đích chính của việc thành lập Hợp tác xã nhằm đảm bảo chu trình sản xuất được khép kín, sử dụng bã thải từ nấm để trồng rau an toàn cung cấp cho thị trường. Hiện nay Hợp tác xã đã có 3 điểm trồng rau với tổng diện tích lên đến gần 5 ha. Hiệu quả mang lại từ việc trồng rau bước đầu được đánh gia rất khả quan./.