Theo công bố của tổng cục thống kê, đầu năm 2014, cứ 10 người tốt nghiệp đại học, thì trong đó có 1 người thất nghiệp. Trước thực trạng đó, cách đây 3 năm, trường Đại học Cần Thơ đã tiến hành khảo sát 478 sinh viên ở tất cả các ngành học.
Kết quả cho thấy tỷ lệ sinh viên trả lời không có ý định khởi nghiệp còn khá cao với gần 48%, tâm lý e ngại rủi ro và sợ thất bại là gần 44%. Nguyên nhân là do chương trình đào tạo và một số chuyên ngành không phù hợp để khởi nghiệp.
Ảnh minh họa: KT |
Đến năm 2015, tỷ lệ sinh viên có ý định khởi nghiệp có gia tăng, nhưng vẫn còn hơn 23% sinh viên không có ý định khởi nghiệp, nguyên nhân do không nhận được sự ủng hộ từ gia đình, thiếu vốn, chưa có đủ kiến thức, kinh nghiệm.
Đã có nhiều trường hợp sinh viên gặp khó khăn khi quyết định khởi nghiệp, cuối cùng đành ngậm ngùi gác lại đam mê và nhiệt huyết. Tuy nhiên, cũng có không ít sinh viên có đủ điều kiện và tự tin trên con đường khởi nghiệp của mình.
Bạn Khưu Tấn Bửu, sinh viên trường Đại học Cần Thơ, hiện đang theo học chuyên ngành tài chính ngân hàng, nhưng lại yêu thích sản xuất và kinh doanh mặt hàng tranh gạo. Tấn Bửu cho biết, khi còn học phổ thông, bạn đã yêu thích nghệ thuật tranh gạo, từ đó luôn tìm tòi, học hỏi thông qua những anh chị đi trước, âm thầm nuôi dưỡng đam mê riêng. Đến khi vào đại học, Tấn Bửu quyết định biến đam mê thành hiện thực. Từ những gì đã tích góp trước đây, Tấn Bửu đã sáng tạo nhiều mẫu mã bằng chính đôi tay và sự miệt mài của mình.
Hiện nay, sản phẩm làm từ gạo của Tấn Bửu chủ yếu là tranh nghệ thuật, túi xách, ví và những phụ kiện thời trang vừa tiện dụng, vừa đẹp mắt. Tấn Bửu cho biết, ban đầu bạn gặp nhiều khó khăn do thiếu vốn và đầu ra sản phẩm, nhưng do xuất phát từ ý định muốn thay đổi thói quen của người tiêu dùng là nên chọn sản phẩm vừa thân thiện với môi trường, vừa góp phần nâng cao giá trị hạt gạo, nên Tấn Bửu đã và đang nhận được sự ủng hộ rất lớn từ gia đình và bè bạn. Đặc biệt, hiện nay Tấn Bửu đã thành lập nhóm 10 người tham gia sản xuất, giới thiệu sản phẩm cho đến lập kế hoạch phát triển kinh doanh. Tấn Bửu chia sẻ: Bên cạnh việc trau dồi kiến thức ở trường, bạn muốn sử dụng những gì đã học được để tạo ra kế hoạch kinh doanh riêng cho sản phẩm của mình. Khi làm dòng tranh, bạn luôn thay đổi và tự tin. Ngoài có công việc cho bản thân, bạn còn hỗ trợ cho nhiều người thất nghiệp sau khi ra trường có việc làm nhờ vào sự khởi nghiệp của mình.
Theo Tiến sĩ Phan Anh Tú, Trưởng bộ môn kinh doanh quốc tế, khoa kinh tế trường Đại học Cần Thơ, giáo dục kiến thức về khởi nghiệp phải được xem là kim chỉ nam cho mọi hoạt động khởi nghiệp, đóng vai trò quyết định thành bại của hành trình khởi nghiệp ngày từ lúc ban đầu. Tất cả những ai muốn khởi nghiệp đều phải có ý tưởng, từ đó sẽ dẫn đến việc thực thi và đề xuất dự án. Nếu như dự án không được chuẩn bị kỹ càng, thì những ý tưởng đó sẽ bị bỏ qua, không có tác dụng gì: Hiện nay trường đại học Cần Thơ nói riêng và các trường Đại học khác nói chung, đã đưa vào những học phần về giáo dục khởi nghiệp cho sinh viên, cho tất cả các ngành. Có ứng dụng thêm về phần mềm mô phỏng kinh doanh trong thực tế, để các em biết được kinh doanh trong thực tế là như thế nào.
Hành trình khởi nghiệp là hành trình gian nan, vất vả, thất bại đôi khi sẽ cực kỳ đau đớn. Tuy nhiên, hành trình ấy cũng đong đầy nét đẹp của kiến tạo và tạo lập giá trị cho chính bản thân và cho xã hội, ảnh hưởng sâu sắc đến tinh thần và lối sống của một doanh nhân hay cả gia đình họ. Hy vọng phong trào khởi nghiệp sẽ được các bạn trẻ ở Cần Thơ nói riêng và cả nước nói chung thực hiện tốt nhất trong thời gian tới./.
TP.HCM tập trung hoàn thiện hạ tầng hệ sinh thái khởi nghiệp