“Đẩy mạnh các giải pháp ứng dụng công nghệ cao, nâng cao chất lượng sản phẩm là chìa khóa mở ra hướng đi bền vững cho ngành chăn nuôi Việt Nam trong thời kỳ hội nhập”, đây là nội dung được đề cập tại Diễn đàn Khuyến nông & Nông nghiệp do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia - Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) phối hợp Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang tổ chức ngày 11/8.  

Ngành chăn nuôi của nước ta thời gian gần đây phát triển mạnh, đa dạng về chủng loại vật nuôi, phục vụ tốt nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu. Đáng ghi nhận là đàn lợn mỗi năm tăng 13%, đàn bò tăng hơn 6%; trong đó vùng Nam Bộ có mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm chiếm hơn 25% so với cả nước.

vov_trung_cut_1_ucqe.jpg
Sản xuất trứng Cút  " sạch" để xuất khẩu sang Nhật của trang trại chim Cút Nguyễn Hồ ở tỉnh Tiền Giang.
Gần đây, ngành chăn nuôi nước ta đã từng bước ứng dụng công nghệ cao trong việc sản xuất con giống, tổ chức nuôi trồng và chế biến sản phẩm chăn nuôi. Đến nay, cả nước có 29 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đi vào hoạt động và đang quy hoạch ở 12 tỉnh, thành.

Toàn quốc có 25 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận ứng dụng công nghệ cao. Các địa phương như: Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Long An... dẫn đầu về trang trại áp dụng công nghệ cao, vừa tạo ra chất lượng sản phẩm tốt vừa giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tiết kiệm chi phí...

Phát biểu tại diễn đàn, các chuyên gia nông nghiệp, các nhà quản lý, bà con nông dân đã trao đổi kinh nghiệm, giải đáp những thắc mắc, kiến nghị xoay quanh việc ứng dụng công nghệ cao vào hoạt động chăn nuôi đạt hiệu quả; các  thể chế, chính sách hỗ trợ cho công tác này.  

Bà Hà Thúy Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (Bộ NN&PTNT) cho biết, thực tế để áp dụng công nghệ cao trong chăn nuôi hiện nay, sản phẩm chăn nuôi phải đáp ứng các tiêu chuẩn như Asen Gap- Global gap, một số các sản phẩm hữu cơ.

“Tuy có thể không áp dụng được ngay, nhưng bà con nông dân, nhất là cán bộ khuyến nông các tỉnh phải nắm được các nội dung này, hỗ trợ bà con nông dân nếu có nhu cầu  công nhận các sản phẩm chứng nhận. Năm 2018, Trung tâm khuyến nông Quốc gia sẽ phối hợp Trung tâm khuyến nông các tỉnh để  tổ chức, đào tạo, triển khai cũng như cách tiếp cận để đạt các chứng nhận GaP trên sản phẩm thịt gà”, bà Hạnh khẳng định./.