Trong vòng chung khảo Miss Grand Vietnam 2022 – Hoa hậu Hòa bình Việt Nam 2022 diễn ra tối 28/9 tại TP.HCM, 50 thí sinh thi 2 phần trình diễn váy dạ hội và áo tắm. Trong phần trình diễn áo tắm, các thí sinh phải hô tên bản thân và tỉnh thành mình đại diện, đây được coi là “đặc sản” của cuộc thi Miss Grand.
Bám sát format quốc tế, bán kết Miss Grand Vietnam 2022 cũng chứng kiến những màn hô tên đậm chất giải trí từ các thí sinh, như nhấn nhá, bẻ giọng để tạo sự khác biệt.
Trong đó, có thể kể đến màn hô tên hài hước, gây cười của thí sinh Nguyễn Tâm Như, Nguyễn Thị Kiều My, Võ Thị Thương, Huỳnh Thới Ngọc Thảo (diễn viên Nguyên Thảo), Bùi Thị Thục Hiền...
Trên mạng xã hội, nhiều nghệ sĩ đã bày tỏ sự bất ngờ trước màn thể hiện có thể bị đánh giá là “lố” này. Ca sĩ Minh Quân viết: “Thực sự sợ hãi. Nhà nào có trẻ con khóc, bật clip này lên tự nín liền !!!”. Người mẫu Xuân Lan bày tỏ: “Tinh tế và duyên dáng là 2 kỹ năng quan trọng nhất cần được đào tạo cho các thế hệ trẻ. Sao lại trở nên “xôi thịt” và rợn óc thế này”.
Còn khán giả thì "cười không nhặt được mồm" về màn hô tên các thí sinh đang trên đường chạm tay vào vương miện Miss Grand Vietnam 2022. Độc giả có nick Nga Nguyen bình luận: “Khiếp thật kinh doanh hoa hậu mì ăn liền mới ra nông nỗi”. Nguyen Ngoc Dung viết “Sợ quá! Trẻ con khóc thét! Bắt chước bên Thailand mà lố quá”.
Màn hô tên của các thí sinh được khán giả quan tâm đặc biệt và liên tục bình luận trên mạng xã hội. Khi nhắc đến tên và quê hương mình, các người đẹp thường cố tình kéo thật dài, lên tông, hoặc sử dụng biểu cảm hình thể để cố biểu đạt thật hài hước để tạo ấn tượng. Đoạn clip thí sinh Nguyễn Tâm Như với phần hô tên vang rền cùng động tác chào mời đến với An Giang gây cười và lan truyền mạnh trên các nền tảng mạng xã hội.
Nhiều khán giả, nghệ sĩ theo dõi livestream và tại nhà thi đấu đã bật cười thích thú với những phần hô tên không khác gì tấu hài. Các thí sinh gồng mình lên, mặt mũi căng thẳng, hô đến lạc cả giọng, khàn cả cổ trong một phần thi của cuộc thi hoa hậu là phản cảm, không phù hợp giới thiệu nơi mình sinh ra.
Trên trang cá nhân, Kenbi Khánh Phạm - đạo diễn, nhà sản xuất, Ủy viên ban chấp hành Hội người mẫu Việt Nam có những phân tích rất đáng để những nhà tổ chức suy ngẫm và rút kinh nghiệm. "Miss Grand International - cuộc thi quốc tế như chúng ta xem ngoài thi sắc đẹp họ mang tính chất giải trí rất cao nhưng thực ra cách hô tên của họ rất giải trí và tinh tế làm người nghe rất đã và dễ chịu. Đối với Miss Grand Vietnam 2022 dường như đang đi đúng đường và format quốc tế đó không có gì là sai. Nhưng Khánh nghĩ, để khiến khán giả Việt Nam chấp nhận được cái cách hô tên nơi mình sinh ra theo 1 hướng khác thì rất khó vì ngôn ngữ Việt Nam có dấu mà thực tế một số bạn thí sinh khi hô còn không rõ tên mình và tên địa phương xong lại biến tấu nghe rất bị chối tai. Khánh nghĩ rằng trong phần thi này BTC không kiểm soát hết được tính cách của mỗi thí sinh, vì mỗi thí sinh khi lên sân khấu đều muốn thể hiện mình là người nổi bật. Chúng ta lên mang tinh thần của những chiến binh chứ đừng tập chung vào sự giải trí nhiều quá, nó không còn là đi thi sắc đẹp nữa, dù sao chúng ta cũng cố gắng giữ thuần phong mỹ tục của người Việt Nam”.
Nhắc đến danh từ Hoa hậu, Hoa khôi, người ta thường nghĩ ngay đến một cô gái có gương mặt hợp nhãn số đông và vóc dáng chuẩn. Nhưng theo thời gian, các cuộc thi sắc đẹp đang dần quan tâm nhiều hơn đến vẻ đẹp trí tuệ của thí sinh. Và phần thi ứng xử là thước đo giúp thí sinh phô diễn sự thông minh, tầm nhìn, kiến thức xã hội và bản lĩnh sân khấu thông qua câu trả lời đòi hỏi phản xạ nhanh chóng, linh hoạt chỉ trong mấy chục giây ngắn ngủi. Nhưng giờ có lẽ, các cuộc thi sắc đẹp lại hướng tới tính giải trí nhiều hơn. Và nếu không xét về tiêu chuẩn khắt khe của một cuộc thi sắc đẹp thì Miss Grand Vietnam 2022 phải chăng đang đi theo hướng là cuộc thi giải trí thay vì tìm ra hoa hậu đúng nghĩa?./.