Những năm trước, rất dễ có thể bắt gặp Julia Roberts nở nụ cười rạng rỡ trong thiết kế của Dior, Cate Blanchett quyến rũ trong các chiến dịch của Giorgio Armani hay Keira Knightley mơ mộng cùng Chanel ở các biển quảng cáo… Nhưng điều đó đã thay đổi khi các thương hiệu thời trang cao cấp dần chuyển hướng lựa chọn đại sứ toàn cầu là những gương mặt châu Á.
Điều này cho thấy sự chuyển dịch của nền văn hóa đã thay đổi nhiều như thế nào khi nhóm nhạc Hàn Quốc, BTS vừa được công bố là đại sứ của Louis Vuitton. Nhà mốt Pháp bày tỏ: “Biểu tượng nhạc Pop nổi tiếng thế giới BTS được công nhận vì những thông điệp truyền cảm hứng mang lại ảnh hưởng tích cực. Louis Vuitton rất vui mừng chào đón các thành viên RM, Jin, SUGA, J-hope, Jimin, V và Jung Kook".
Trên trang cá nhân, Virgil Abloh, giám đốc sáng tạo mảng thời trang nam của hãng bày tỏ: “Chúng tôi hoan nghênh BTS đã gia nhập Louis Vuitton với tư cách là đại sứ. Chúng tôi thực sự mong đợi được hợp tác với BTS, bắt đầu một chương mới cho Louis Vuitton thông qua sự kết hợp giữa văn hóa sang trọng và đương đại. Chúng tôi muốn tiết lộ những dự án thú vị của mình càng sớm càng tốt”.
Abloh sử dụng từ đương đại thật thú vị. BTS có một lượng lớn người hâm mộ thuộc thế hệ Z, nhưng hơn thế nữa, nhóm nhạc này còn đại diện cho việc phá vỡ các tiêu chuẩn truyền thống về cái đẹp của Hollywood. Lựa chọn BTS là gương mặt đại diện cho hãng thể hiện Abloh có một tầm nhìn mới cho tương lai của Louis Vuitton. Trang Instagram toàn cầu của hãng hiện tràn ngập ảnh BTS, bao gồm cả hình ảnh nhóm mặc đồ hiệu đến lễ trao giải Grammy đầu năm nay.
Nhóm cũng rất chuộng đồ của hãng và thường xuyên diện trong MV âm nhạc, chụp ảnh tạp chí hay thậm chí là ngoài đời. Với tầm ảnh hưởng của mình, không ít lần sản phẩm Louis Vuitton "cháy hàng" vì được các thành viên BTS diện.
BTS không phải là ngôi sao K-pop duy nhất tham gia vào thế giới thời trang xa xỉ theo cách này. Trước đó, nhóm nhạc nữ BLACKPINK với 4 cô gái đang là những "viên ngọc quý" của các thương hiệu thời trang cao cấp như Chanel, Celine, Saint Laurent và Dỉor. Rosé vừa tham gia chiến dịch quảng bá toàn của của Saint Laurent, năm nay đã lập tức được bổ nhiệm vào vai trò đại sứ toàn cầu cho Tiffany & Co. Trong khi đó, với vai trò đại sứ, Jisoo đã truyền cảm hứng cho giám đốc sáng tạo của Dior để trình làng bộ sưu tập Dior Cruise 2022. Lisa là đại sứ toàn cầu đầu tiên của Celine và là "con cưng" của Heidi Slimane.
Bên cạnh đó, vẻ ngoài đẹp như tượng tạc của các mỹ nam, mỹ nữ Hàn Quốc giúp các nhãn hàng mỹ phẩm, làm đẹp trên thế giới kiếm bộn tiền, nhưng không phải chỉ có các sao Hàn mới được chọn làm đại sứ cho các thương hiệu nổi tiếng. Armani Beauty đã bổ nhiệm nam diễn viên kiêm ca sĩ người Trung Quốc, Dịch Dương Thiên Tỉ làm đại sứ toàn cầu mới về trang điểm và chăm sóc da. Người mẫu Nhật Bản Koki gần đây đã cũng trở thành gương mặt thương hiệu Estée Lauder.
Nhiều chuyên gia trong ngành đặt ra câu hỏi liệu sự thay đổi nhanh chóng của các thương hiệu thời trang với hàng loạt chiến dịch mới ở châu Á này có thể liên quan đến đại dịch không?
Rocky Chi, một chuyên gia tại Melody Communications có trụ sở tại London bày tỏ: "Không có nhân khẩu học mua hàng xa xỉ lớn nhất châu Âu. Đại dịch bùng phát khiến doanh số bán hàng đã giảm mạnh và các thương hiệu phải đối mặt với thực tế là tỷ lệ khách hàng lớn nhất của họ đến từ châu Á".
Charlie Gu, một chuyên gia tiếp thị có trụ sở giữa Thượng Hải ở Trung Quốc và San Francisco ở Mỹ, đồng ý với ý kiến này. Ông nói: “Châu Á, đặc biệt là khu vực Trung Quốc, đã đóng góp quan trọng vào lợi nhuận của các thương hiệu cao cấp trong thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi các thương hiệu nâng tầm những người nổi tiếng châu Á lên vị trí đại sứ toàn cầu để thúc đẩy tiềm năng mua sắm trong khu vực, với hy vọng tăng doanh số bán hàng, khắc phục được khủng hoảng".
Tuy rằng, một số ngôi sao châu Á chưa được biết đến rộng rãi ở phương Tây, nhưng đối với một số thương hiệu, đây đơn giản không phải vấn đề. Trước đó, nhiều ngôi sao Hollywood cũng không đặc biệt nổi tiếng ở Trung Quốc hay Châu Á nhưng vẫn được xuất hiện trên các biển quảng cáo ở các đất nước này.
Với sự gia tăng phổ biến của thói quen làm đẹp và sự thống trị của khách hàng châu Á trong thế giới thời trang xa xỉ, việc các thương hiệu tập trung vào những gì khách hàng châu Á muốn và chỉ đơn giản là hy vọng sẽ thúc đẩy mua sắm ở thị trường phương Tây.
“Sức hấp dẫn và ảnh hưởng toàn cầu của K-pop và sự công nhận ngày càng tăng đối với các tài năng châu Á ở Hollywood đã thúc đẩy sự chuyển dịch này", Gu cho biết thêm. “Lễ trao giải Oscar năm nay thực sự là một năm đột phá đối với các tài năng châu Á. Do những người nổi tiếng châu Á này có xu hướng thu hút khán giả trẻ, việc chọn họ làm đại sứ toàn cầu cũng có thể giúp thu hẹp khoảng cách tuổi tác về chi tiêu xa xỉ ở phương Tây và giúp các thương hiệu mở rộng sự thu hút của họ đến nhóm nhân khẩu học trẻ hơn".
Thêm vào đó, các thương hiệu thời trang cao cấp cần thoát khỏi cái mác bất bình đẳng bấy lâu nay khi lấy người da trắng làm trung tâm trong mọi chiến dịch quảng bá. Bên cạnh đó, những hành động phân biệt chủng tộc, đặc biệt với người châu Á đã gia tăng nghiêm trọng trong đại dịch - chẳng hạn như vụ bắn chết tám người kinh hoàng (bao gồm sáu phụ nữ châu Á) tại Atlanta ở Georgia vào ngày 16/3 gây phẫn nộ.
Làn sóng bảo vệ người châu Á ở khắp nơi trên thế giới với xu hướng hashtag #StopAsianHate ngập tràn trên mạng xã hội. Trong tình đoàn kết với cộng đồng châu Á, những nhân vật nổi bật trong lĩnh vực thời trang bao gồm Anna Sui, Phillip Lim và Susie Bubble đã lên tiếng về tầm quan trọng của việc quảng bá các nhà thiết kế và người mẫu châu Á, đồng thời thúc đẩy sự đa dạng và tính toàn diện hơn trong thời trang.
“Khi lớn lên, không có nhiều đại diện châu Á trong lĩnh vực thời trang,” nhà thiết kế Jason Wu cho biết trong một bài báo vào tháng 3 cho tạp chí thời trang Vogue. “Điều quan trọng hơn bao giờ hết là chúng ta đứng lên như một cộng đồng để thúc đẩy, ủng hộ sự thay đổi và chấp nhận”. Thời điểm những người nổi tiếng châu Á được nhìn nhận và có vị trí trong lĩnh vực thời trang cũng đã đến./.