Tối 14/6, đêm thi trình diễn trang phục dân tộc - National Costume của  Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2022 đã diễn ra thành công với những màn trình diễn "bùng nổ" và tỏa sáng của top 41 thí sinh tại TP.HCM. 41 bộ trang phục dân tộc đều thể hiện được tinh thần, ý nghĩa cùng những nét đặc trưng, độc đáo của văn hóa, đời sống và con người Việt Nam. Tại đêm diễn, ban giám khảo đã chọn ra top 10 trang phục dân tộc ấn tượng và top 3 trang phục dân tộc xuất sắc nhất. “Chiếu Cà Mau” - Thiết kế của Nguyễn Quốc Việt xuất sắc đoạt giải Nhất của cuộc thi và là thiết kế dự kiến đồng hành cùng Tân Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam đến với đấu trường quốc tế Miss Universe 2022. 

Sau những phần thi quan trọng như "Người đẹp biển", "Người đẹp bản lĩnh", "Người đẹp tài năng", top 41 thí sinh chính thức bước vào đêm trình diễn trang phục dân tộc Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2022 với những bộ trang phục được có thiết kế vô cùng ấn tượng, chỉn chu và ý tưởng độc đáo, tôn vinh giá trị văn hóa Việt Nam. 

Không làm khán giả thất vọng, top 41 thí sinh Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2022 đã truyền tải xuất sắc tinh thần của bộ trang phục qua những bước catwalk chuyên nghiệp và thần thái ấn tượng, đầy sự bản lĩnh, tự tin và kiêu hãnh của một “Vinawoman”. Bộ trang phục xuất sắc nhất trong 41 thiết kế dự kiến sẽ được chọn làm trang phục dân tộc chính thức của Tân Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam đến với đấu trường nhan sắc - Miss Universe 2022.

Đêm diễn trang phục dân tộc Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2022 chính là nơi tôn vinh bản sắc Việt Nam từ đời sống, văn hóa đến con người. Các nhà thiết kế trẻ đến từ nhiều trường đại học trên địa bàn TP.HCM đã tạo nên 41 mẫu thiết kế ấn tượng, đậm đà bản sắc Việt Nam. Đồng thời, những bộ trang phục dân tộc vừa thể hiện tinh tế vẻ đẹp tự tin, hiện đại của một “Vinawoman” vừa phá vỡ những quy tắc về cái đẹp để tôn vinh những văn hóa độc đáo, đầy thú vị của con người Việt Nam. 

Mỗi bộ trang phục đều có một câu chuyện độc đáo và làm khán giả vô cùng thích thú. Điển hình như thiết kế “Bánh tráng trộn Sài Gòn” của Lê Quang Thắng thể hiện một món ăn đường phố quen thuộc, bình dị nhưng lại vô cùng ấn tượng, khác biệt trên sân khấu. Thiết kế “Ngư ông” nhận được nhiều tràn vỗ tay của khán giả vì sự chỉn chu trong từng chi tiết, màu sắc bắt mắt thu hút người xem.

Bộ trang phục “Chị Sáu” của Nguyễn Hoàng Gia lấy cảm hứng từ Nữ anh hùng Liệt sĩ Võ Thị Sáu qua phần trình diễn nhập tâm của thí sinh Nguyễn Thị Lệ Nam (SBD 337). Sân khấu đêm diễn trang phục dân tộc của Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2022 như thổi bừng lên trong khách mời, khán giả niềm xúc động và tình yêu nước hào hùng.

Loạt thiết kế này đến những tác giả rất trẻ về tuổi đời nhưng lại có tình yêu vô cùng to lớn với thời trang và văn hóa Việt Nam. Nhiều thiết kế độc lạ khác như “Vina Vechai” lấy cảm hứng từ những xe mua đồng nát ve chai, “Ủn ỉn” gợi nhắc hình thức bỏ ống heo tiết kiệm, “Chiếu Cà Mau” tôn vinh nghề làm chiếu, “Nail salon” nhắc đến nghề làm nail hay “Mật lý hoa rừng”, “Tráp Long Phụng”, “Tôm tre mỹ nghệ” độc đáo, sáng tạo đã biến sân khấu đêm trình diễn trang phục dân tộc trở thành nơi giao lưu giữa những nhiều loại hình văn hóa khác nhau trên đất nước Việt Nam. Đêm diễn thực sự đã bùng nổ, lôi cuốn được tất cả khách mời, khán giả chăm chú theo dõi. 

Phần lớn các bộ trang phục dân tộc có nhiều chi tiết tinh xảo, khối lượng nặng và cồng kềnh gây khó dễ cho việc di chuyển. Đó vừa là thử thách vừa là cơ hội để top 41 thí sinh của Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2022 thể hiện cách ứng biến trên sân khấu, cách xử lý trang phục và nhất là bộc lộ hết năng lượng của bản thân, tỏa sáng rực rỡ cùng với những bộ trang phục dân tộc tâm huyết của các nhà thiết kế trẻ.

Sau thời gian chọn lựa, giải nhất thuộc về thiết kế "Chiếu Cà Mau" của Nguyễn Quốc Việt (Đại học Tôn Đức Thắng). "Chiếu Cà Mau" được lấy ý tưởng từ làng chiếu Cà Mau - một ngôi làng bình dị nơi miền cực nam của Tổ Quốc giàu truyền thống yêu nước và đậm đà sức sống. Nơi đó là một xứ sở mà những con người mộc mạc chân tình ở đây đang dốc sức sáng tạo góp nên nét đẹp cho Đất nước. Làng chiếu Cà Mau từ một làng nghề trở thành làng chiến, từ người thợ cũng trở thành du kích hiên ngang. Đó là một xứ sở từng nhuộm đỏ máu hồng từng trải qua những tháng năm khói lửa chiến tranh thì càng thắm sâu ý nghĩa của ngày vui sản xuất. Như vậy, với chiến thắng ngoạn mục này, "Chiếu Cà Mau" dự kiến sẽ trở thành trang phục dân tộc của Tân Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam tại cuộc thi Miss Universe 2022.

Giải nhì thuộc về thiết kế "Bánh tráng" của Phan Xuân Giàu (Đại học Văn Lang). "Bánh tráng" có ý tưởng chủ đạo là chiếc bánh tráng phiên bản cổ điển. "Bánh tráng" được xem là một phát minh để đời của người Việt Nam, là một món ăn được cả người dân trong nước và quốc tế đón nhận. Chỉ với một cái bánh tráng đơn giản thôi nó đã thể hiện được sự sáng tạo, nét đẹp cần cù, siêng năng, hăng say làm việc, tôn lên được vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam, ngoài ra những họa tiết được in trên bánh tráng cũng một phần nào tôn vinh lên được nét đẹp của làng nghề đan lát tre tại Việt Nam.

Giải ba thuộc về thiết kế "Tôm tre mỹ nghệ" của Nguyễn Minh Khôi (Đại học Văn Lang). Thiết kế này được lấy ý tưởng từ một sản phẩm thủ công độc đáo mang đậm bản sắc dân tộc của người dân Việt Nam trong việc biến những thân tre thành những con tôm hùm sinh động từ làng nghề thủ công mỹ nghệ Bình Định. "Tôm tre mỹ nghệ" mong muốn lan tỏa gìn giữ và phát triển làng nghề thủ công Việt Nam, đồng thời giới thiệu với bạn bè quốc tế một sản phẩm độc đáo được làm từ tre. "Tôm tre mỹ nghệ" mang một sứ mệnh đại diện cho năng lượng đầy bức phá đúng như bản lĩnh phụ nữ Việt Nam vượt qua thử thách, giới hạn để khẳng định giá trị chính mình.

Cả ba bộ trang phục đều thể hiện trọn vẹn những tiêu chí của 1 bộ trang phục dân tộc độc đáo, giàu tính thẩm mỹ, ứng dụng và truyền tải giá trị văn hóa Việt Nam đến bạn bè thế giới. Song, thiết kế "Chiếu Cà Mau" vô cùng ấn tượng với hiệu ứng sân khấu bắt mắt, thiết kế tôn vinh được vẻ đẹp hình thể của người trình diễn và giá trị văn hóa, bản sắc dân tộc Việt Nam đã xuất sắc trở thành trang phục dân tộc chính thức của đại diện Việt Nam tại Hoa hậu Hoàn vũ 2022./.