Trong văn, thơ, nhạc, họa sáng tác về thủ đô, thì phố cũng là hình ảnh quen thuộc. Phố ở đây chẳng nói đủ ra nhưng ai cũng hiểu là phố cổ. Khu phố cổ nằm cạnh Hồ Gươm, kế bên sông Hồng đã có từ rất lâu.

vov_pho_co_01__klju.jpg

Sử sách đã ghi lại rằng khu phố đã có từ thời Lý – Trần (thế kỷ XIII), nằm ở phía đông Kinh thành Thăng Long với nhiều phường nghề. Phố nghề đã tạo một sức hút lớn với nhiều cư dân, tiểu thương, thợ thuyền ở các làng, các địa phương gần Thăng Long ở vùng đồng bằng Bắc Bộ. Nhưng thực sự phố có hình hài thì phải tới thế kỷ XVIII, XIX; khi đó những ngôi nhà phố mới được xây dựng nhiều và kiên cố, tạo nên hình ảnh đặc trưng của phố.

Đó là những ngôi nhà hẹp bề ngang, chiều sâu hun hút với những mái ngói nhấp nhô; mặt tiền là nơi buôn bán. Nét đặc sắc của phố cổ Hà Nội là sự chuyên doanh của những mặt hàng, mà trở thành tên phố, với chữ “Hàng” đằng trước như Hàng Bạc, Hàng Buồm, Hàng Thiếc, Hàng Bông, Hàng Mắm… Những con phố đó, những cái tên đó vẫn tồn tại dù trải qua bao thời gian thăng trầm của lịch sử.

Chẳng biết tự bao giờ, người ta coi khu phố cổ là trung tâm của Hà Nội, dù vị trí địa lý của nó là ở biên. Đi chơi phố, đi mua sắm ở phố có nghĩa là đi vào khu phố cổ. Phố cổ có một hấp lực mãnh liệt và kỳ lạ. Phố cổ đã từng rất đẹp cho tới thập niên 80 của thế kỷ XX. Phố cổ đã trở thành một đề tài xuyên suốt trong tranh của danh họa Bùi Xuân Phái, mà người ta đã đặt tên thành “phố Phái”. 

Phố cổ trở thành linh hồn của đất Thăng Long – Hà Nội. Không chỉ bởi kiến trúc đặc sắc, không chỉ bởi sự buôn bán tấp nập, phố cổ còn ghi dấu ấn bởi nét văn hóa, bởi con người mà người ta vẫn gọi là văn hóa Hà Nội, nét thanh lịch Tràng An. Phố cổ gần gũi và thân thương, vất vả nhọc nhằn và cũng kiêu sa; thâm trầm giản dị trong dòng chảy của cuộc sống, của lịch sử.

Đáng tiếc, khu phố cổ Hà Nội đã thay đổi. Sự thay đổi ấy diễn ra vào những năm 1980, khi kinh tế thị trường xuất hiện. Phố cổ không còn như xưa nữa, phố cổ đã mất dần những nét đặc trưng kiến trúc vốn có. Những ngôi nhà cổ cứ mai một dần, và thay vào đó là những ngôi nhà mới không còn dấu ấn hồn xưa. Những mái ngói lô xô đã đi vào các tác phẩm văn học nghệ thuật dần biến mất. Mật độ dân cư tăng, cấu trúc phố bị phá vỡ.

Ngày xưa, những ngôi nhà trong phố cổ chỉ cao 2 tầng, thì nay là những ngôi nhà cao 4-5 tầng, không gian phố đã hẹp lại càng thêm hẹp. Nhiều phố nghề thủ công thất truyền, biến mất, thay vào đó là những mặt hàng mới, những dịch vụ mới đáp ứng theo nhu cầu của xã hội. Phố cổ không còn thâm trầm giản dị nữa, mà trở thành trung tâm ồn ào và náo nhiệt. 

Thế nhưng cũng thật kỳ lạ, phố cổ vẫn có sức hút mãnh liệt, vẫn là điểm du lịch hàng đầu của Hà Nội để tham quan, khám phá. Những ngôi nhà cổ trên phố chỉ còn lác đác, nhiều mái ngói đã thay bằng mái tôn, nhiều cửa hàng, khách sạn mọc lên cao tầng với cửa kính long lanh… Hình ảnh phố xưa chỉ còn trong ký ức, trong thơ, trong họa, trong nhạc… với nhiều tiếc nuối.

Nhưng đâu đó, vẫn còn những hình ảnh của ngày xưa, để lại những mong mỏi về sự phục hưng của một mảnh đất đặc biệt của Kinh kỳ. Còn đó phố Hàng Bạc vẫn làm nghề bạc, phố Hàng Bông bán vải may cờ, phố Hàng Thiếc làm đồ kim loại, phố Hàng Mã bán đồ chơi, phố Lãn Ông chuyên doanh thuốc bắc… 

Còn đó những kiến trúc cổ đã được trùng tu và bảo tồn, trở thành điểm sáng đáng để chiêm ngưỡng, để hoài vọng về một thời, một không gian phố đong đầy thương nhớ: nhà cổ 87 Mã Mây, nhà 38 Hàng Đào, nhà 51 Hàng Bạc…; tuyến phố Tạ Hiện, đền Bạch Mã, đình Kim Ngân, đền Quan Đế, chùa Cầu Đông, chùa Lý Quốc Sư, chùa Bà Đá, đình Nam Hương…

Nhiều hoạt động văn hóa khu phố cổ đã được tổ chức để lại nhiều dư âm tốt. Mặc dù muộn màng, nhưng công cuộc bảo tồn phố cổ Hà Nội đã có những thành quả nhất định, để hy vọng về một tương lai sáng và đẹp hơn.

Tôi có một thói quen, là đi vào phố cổ sáng sớm mồng 1 Tết Nguyên đán; để ngắm phố và chụp ảnh. Thói quen này không chỉ riêng tôi, mà nhiều người khác cũng vậy. Buổi sáng mồng 1 Tết, phố cổ thật khác, mang lại cảm giác ngạc nhiên đến sững sờ. 

Nếu như chỉ mới tối 30 của ngày hôm trước thôi, phố vẫn sầm uất, ồn ào tấp nập thì buổi sáng ngày đầu năm phố hoàn toàn tĩnh lặng. 

Những cửa hàng, cửa hiệu đóng cửa hết, không có mấy ai ra đường. Những con phố nhỏ như rộng thênh thang, những ngôi nhà như vẫn chìm trong giấc ngủ bình yên. 

Phố lúc đó sao mà đẹp và thân thương đến thế! Có khi đi hết cả con phố không thấy một chiếc xe. Đâu đó thoang thoảng mùi hương trầm ở những đình, đền, chùa; thi thoảng gặp những người đi lễ sớm, hay người bán muối may mắn đầu năm. 

Khi ấy, phố cổ hiện lên như một bức tranh với màu sắc hoàn toàn khác, như những thước phim tư liệu đang được quay chậm ở một tọa độ thời gian cũng khác.

Phố cổ là một phần, là “thương hiệu” của thủ đô Hà Nội. Người Hà Nội đi xa nhớ về phố, khách phương xa tới thích ở phố, hẹn hò trên phố - hình như thế mới là đủ đầy, trọn vẹn. 

Trải qua bao biến cố thăng trầm, phố có nhiều đổi thay nhưng dường như trong góc sâu thẳm nào đó, phố vẫn dung dị, nồng nàn; để lại bao niềm thương nhớ.

Thương nhớ phố xưa không phải nỗi niềm, tâm trạng của riêng tôi, mà còn của nhiều người khác nữa. Phố xưa đã thật là xưa, không bao giờ còn có thể tái hiện. Phố cổ “mới” của ngày hôm nay đã là một khuôn mặt khác, của thời đại khác. 

Dẫu vậy thì niềm thương nhớ ấy vẫn đeo đẳng theo những năm tháng cuộc đời, về một Hà Nội trong quá khứ, về một không gian gần gũi quen thuộc, về những kỷ niệm với phố không thể phai mờ. 

Và dẫu đã có nhiều thay đổi, và sẽ còn nhiều thay đổi, thì phố cổ vẫn là một niềm tự hào của Hà Nội, của con người đất Kinh kỳ./.