Tỉnh Vĩnh Long định hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với phát triển du lịch. Song song đó là bảo tồn giá trị văn hóa làng nghề truyền thống, bảo tồn văn hóa lúa nước Nam Bộ. Trước hết là tập trung xây dựng và phát triển du lịch homestay, du lịch nông nghiệp, du lịch làng nghề, du lịch văn hóa.
Hiện Vĩnh Long đã có danh mục mời gọi 18 dự án đầu tư ưu tiên. Trong đó lĩnh vực du lịch có 6 dự án với tổng diện tích 5.451ha, ước tổng vốn đầu tư khoảng 9.430 tỷ đồng; lĩnh vực thương mại - dịch vụ có 12 dự án với tổng diện tích 210ha, ước tổng vốn đầu tư khoảng 5.465 tỷ đồng. Nhằm thu hút đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp, tỉnh Vĩnh Long sẽ hỗ trợ 80% chi phí lập quy hoạch chi tiết xây dựng và lập dự án đầu tư; hỗ trợ 20% trên tổng chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng; hỗ trợ 50% kinh phí xây dựng nhà máy xử lý nước thải theo tiêu chuẩn hiện hành...
Nhiều năm qua, TP.HCM và Vĩnh Long đã có nhiều mối quan hệ hợp tác, gắn bó chặt chẽ trên nhiều lĩnh vực nhằm trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ, thúc đẩy nhau cùng phát triển. Trên lĩnh vực du lịch, TP.HCM và Vĩnh Long đã ký kết thoả thuận hợp tác song phương từ năm 2007 với nhiều hoạt động cụ thể, đến năm 2019 thì ký kết thoả thuận chung trong liên kết giữa TP.HCM và 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long.
Theo ông Hà Văn Siêu - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, năm 2022 sau khi dịch bệnh Covid-19 cơ bản được kiểm soát, ngành du lịch trong nước và thế giới đã phục hồi trở lại, khách du lịch trong nước và quốc tế đến Việt Nam ngày càng đông. Tuy nhiên tiềm năng, thế mạnh du lịch của nước ta vẫn chưa được khai thác hết. Hội nghị xúc tiến đầu tư về du lịch và thương mại giữa Vĩnh Long và TP.HCM là một trong những giải pháp nhằm tiếp tục thúc đẩy phát triển du lịch trong thời gian tới.
Ông Hà Văn Siêu nhấn mạnh: "Tiềm năng du lịch của Vĩnh Long còn rất lớn mà chưa được khai thác. Với chúng ta thì thấy quen thuộc, nhưng với du khách từ nơi khác đến vùng sông nước này thì rất là đặc sắc và đặc biệt".
Để đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch, bà Phan Thị Thắng - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM đề nghị các sở, ngành của hai địa phương cần ghi nhận và trao đổi đầy đủ các nội dung liên quan đến công tác phối hợp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp triển khai các dự án; tiếp tục nghiên cứu để liên kết, đầu tư trong thời gian sắp tới. Trong quá trình triển khai, các sở, ngành và doanh nghiệp hai địa phương cần chủ động liên kết, thông tin kịp thời các khó khăn, vướng mắc, đề xuất cơ chế chính sách phù hợp để ngày càng có nhiều dự án đầu tư được ký kết, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của 2 địa phương./.