Anh Nguyễn Minh Thắng, một du khách đến từ tỉnh Quảng Ninh cho biết: quê anh ở tận miền bắc xa xôi, Tết năm nay được đặt chân đến Đất Mũi là niềm hạnh phúc nhất của đời anh, sau này có già và chết anh cũng mãn nguyện.
Để đặt chân lên được nơi tận cùng của tổ quốc này chỉ có duy nhất 1 con đường đó là du khách phải đi bằng cano cao tốc xuất phát từ thị trấn Năm Căn, huyện Năm Căn nơi cuối cùng của quốc lộ 1A hiện nay. Trước đây du khách phải đi cano cao tốc từ thành phố Cà Mau mất rất nhiều thời gian. Nay chỉ cần khoảng 1 tiếng xuất phát từ huyện Năm Căn du khách có thể đặc chân đến được Đất Mũi.
Trên đường đi Đất Mũi, Cano cao tốc phải đi len lỏi, vòng vèo theo những con sông uốn quanh trong Vườn quốc gia Mũi Cà Mau. Tại khu vườn này có rất nhiều thú quý hiếm sinh sống. Nhiều động, thực vật đã có tên trong sách đỏ của thế giới. Đối với cây rừng, từ trước đến nay chưa từng được khai thác.
Chính vì những đặc điểm này nên, khu vườn được công nhận là khu sinh quyển của thế gới. Đặc biệt gần đây nhất khu vườn này được công nhận là khu Rasar của thế giới. Hiện nay tỉnh Cà Mau đang chuẩn bị các điều kiện cần thiết để làm lễ đón nhận danh hiệu này.
Khi đến khu du lịch Đất Mũi nằm tại Xóm Mũi, thuộc xã Đất Mũi du khách có thể trèo lên đài quan sát cao 21 mét, nhìn thấy được cả biển đông và biển tây. Đây là nơi duy nhất trên cả nước có thể nhìn thấy mặt trời mọc trên biển Đông và lặn ở phía biển Tây. Đặc biệt cả 2 Hòn Chối và Hòn Khoai nằm cách đất liền hàng chục km cũng nằm trong tầm mắt của mình.
Cách đó không xa, du khách sẽ được ngắm biểu trưng của mũi Cà Mau với hình tượng một con tàu đang vươn ra biển. Trên tàu là lá cờ Tổ quốc tung bay trước gió. Tại xã Đất Mũi có Cột mốc quốc gia GPS 0001, là điểm mốc có ý nghĩa thiêng liêng, là điểm tận cùng cực Nam của Việt Nam (trên đất liền). Với mỗi người dân, ai cũng muốn một lần được đến mũi Cà Mau để chiêm ngưỡng, tham quan.
Với dân du lịch, Việt Nam có 4 cực bao gồm : Cực Bắc là Cột Cờ Lũng Cú (Hà Giang), Cực Tây là Apa Chải (Mường Nhé, Điện Biên), Cực Đông là ở Mũi Đôi (Khánh Hòa) và Cực Nam chính là Đất Mũi (Cà Mau). Nhiều người quan niệm, nếu là dân du lịch Việt Nam, ít nhất phải chinh phục được 1 trong 4 điểm này.
Bà Bùi Lệ Hoa, một du khách đến từ thành phố Đà Nẵng nói: Đây là lần đầu tiên bà đặt chân đến Đất Mũi và chụp hình lưu niệm với mốc toạ độ, có nghĩa bà đã chinh phục được 1 trong 4 điểm thiêng liêng này của quốc gia. Bà cho biết thêm đây có lẽ là lần cuối cùng trong đời bà đến với Đất Mũi, vì năm nay cũng đã ngoài 70, quyết tâm lắm bà mới đi được. Đến được Đất Mũi bà cũng không quên mang theo túi nilon mang ít đất của Xóm Mũi về nhà bỏ vào gối đầu.
Chính vì những đặc trưng này nên trong dịp tết nguyên đán hàng năm, khu du lịch Đất Mũi đón khoảng 1.500 lượt, tăng gấp 5 lần so với ngày thường.
Nhằm phá thế “ốc đảo” của huyện Ngọc Hiển, một dự án xây dựng cầu Năm Căn vượt sông Cửa Lớn và giao thông nối từ Năm Căn đến Đất Mũi đang được thi công. Nhiều người hy vọng rằng, cây cầu chính là con đường đầu tiên và duy nhất giúp đẩy mạnh du lịch, giao thương thúc đẩy sự phát triển kinh tế của huyện này.
Trong nắng chiều, chúng tôi lên cano để quay trở về Năm Căn, ngược chiều với cano chúng tôi có rất nhiều cano khác đưa khách đi tham quan Đất Mũi trong dịp Tết Nguyên đán này. Từ xa ngoái đầu nhìn lại, hình ảnh Đất Mũi thanh bình, đứng giữa sóng gió biển, những kênh rạch uốn quanh xen lẫn màu xanh mướt của rừng đước ngập mặn khiến những ai một lần đặt chân đến Đất Mũi không khỏi xao xuyến, bồi hồi về mảnh đất linh thiêng của Tổ quốc./.