Hệ thống "Mỹ Sơn Metaverse" được xây dựng dựa trên 3 nền tảng công nghệ. Đầu tiên là không gian trải nghiệm bằng VR360. Đây là nền tảng công nghệ với các dữ liệu thu thập từ thiết bị bay (drone) và các thiết bị chụp chuyên dụng, nhằm xây dựng góc nhìn 360 độ, kết hợp với công nghệ AI để người dẫn chương trình thuyết minh theo từng địa điểm, bằng 2 ngôn ngữ tiếng Anh và tiếng Việt. Công nghệ này giúp du khách tham quan, trải nghiệm trực tuyến không khác nhiều so với thực tế.
Không gian thứ hai là "Metaverse spy" được lập trình bằng hình vẽ không gian 3D dựa trên tỷ lệ thực của Mỹ Sơn, giúp du khách có thể đi bộ, tương tác, kể cả chụp ảnh trong khu đền tháp bằng nhân vật thay thế - đại diện (avatar). Công nghệ thứ ba là "Map 3D" được xây dựng với tỷ lệ, vị trí thực tế của Mỹ Sơn để khách tham quan dễ dàng sử dụng.
Hiện, các vị trí tham quan của Mỹ Sơn đã được số hóa vào hệ thống nên có thể tích hợp vào website của Ban Quản lý Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn hoặc các kênh quảng bá khác như mạng xã hội. Người dùng dễ dàng trải nghiệm trực tuyến ở mọi nơi, mọi vị trí của khu di sản thông qua các thiết bị máy tính, di động, kể cả dùng các loại kính chuyên dụng để có góc nhìn trực quan và sinh động nhất.
Ông Phan Hộ - Giám đốc Ban Quản lý Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn (Quảng Nam) cho biết chuyển đổi số, phát triển các sản phẩm du lịch dựa trên nền tảng công nghệ đang là mục tiêu của di sản này: “Mọi người sẽ đến Mỹ Sơn trực tiếp hoặc thông qua nền tảng công nghệ, không chỉ giúp giới thiệu được Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn mà còn mang lại những lợi ích kinh tế trong quá trình thực hiện nền kinh tế số”./.