Trong những ngày nghỉ Tết dương lịch này, những cỗ xe ngựa tại các điểm du lịch thường trở nên quá tải. Mô hình này mở ra nét mới trong hoạt động du lịch, tạo công việc làm, thu nhập ổn định cho nhiều người dân.
Ông Lê Văn Hoài, người dân ấp 8, xã Tân Thạch, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre hiện nay có cuộc sống ổn định nhờ vào một con ngựa Hồng. Trước đây, hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, ông phải vay mượn tiền mới mua được một con ngựa làm du lịch. Mỗi chuyến xe phục vụ khách, ông được từ 200 – 300.000 đồng. Với ngày nghỉ, ngày lễ, lượng du khách tăng lên và nguồn thu nhập của chủ xe ngựa cũng tăng cao. Ông rất thích nghề này vì vừa nhàn rỗi, vừa có thu nhập ổn định lại đem niềm vui cho du khách.
“Nghề này cũng có cái khó khăn là việc thuần hóa ngựa. Ngựa mới mua về phải tập, bắt vào xe dắt bộ cho quen dần thì ngựa mới chở khách được. Khách Việt cũng thích đi xe ngựa nhưng khách Tây thích hơn. Tôi làm vì đam mê, cũng có niềm vui cho cuộc sống và phục vụ được khách du lịch”, ông Hoài chia sẻ.
Trước đây, ở Tiền Giang và Bến Tre, ngựa chỉ được nuôi “cảnh” hay một số nhà vườn sử dụng để chở trái cây, hàng hóa. Vài năm gần đây, nhà vườn sử dụng ngựa để kéo xe phục vụ nhu cầu của khách tham quan, du lịch.
Chỉ tính riêng điểm du lịch sinh thái Quê Dừa, xã Tân Thạch, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre đã có 20 cỗ xe ngựa phục vụ du khách. Trong đó, chủ cơ sở này đầu tư mua 12 con ngựa hỗ trợ dân nghèo làm xe ngựa phục vụ du lịch. Mỗi con ngựa từ 3-10 năm tuổi, trị giá trên dưới 20 triệu đồng.
Thông thường, đi xe ngựa trên đường quê là chương trình đầu tiên trong mỗi tour du lịch sinh thái. Các du khách được ngồi trên xe ngựa đi vào các con đường làng vòng vèo, tận mắt chứng kiến cảnh sông nước, vườn cây trái sum xuê, cảnh sinh hoạt, sản xuất của người dân.
Chị Trần Thị Nương, du khách đến từ TP. Hồ Chí Minh nói: “Lần đầu tiên tôi đến Bến Tre, đi du lịch sinh thái, được ngồi trên chiếc xe ngựa như thế này thích lắm. Chú ngựa xinh xinh, chạy lộc cộc trên đường nông thôn rất hay. Tôi nghĩ, mô hình này cần nhân rộng ra các điểm du lịch khác”.
Tại Tiền Giang và Bến Tre hiện nay có gần 60 con ngựa để phục vụ du lịch. Xã Tân Thạch, huyện Châu Thành, Bến Tre có đàn ngựa nhiều nhất với 34 con, còn lại 12 con ở xã Quới Sơn cùng huyện Châu Thành. Ở Tiền Giang duy nhất xã Thới Sơn, thành phố Mỹ Tho có 12 con ngựa làm du lịch. Đó là đàn ngựa của ông Đặng Văn Lộc ở ấp Thới Thạnh. Ông Lộc cho biết, đàn ngựa này mua năm ngoái. Mua từ thương lái ở Campuchia về thuần dưỡng, tập luyện mới có thể phục vụ du khách.
Các cỗ xe ngựa phục vụ khách tham quan trên đoạn đường từ 2-3 km. Dù trời mưa hay nắng gắt, khi có yêu cầu của khách là đoàn xe hoạt động. Do phục vụ là chính nên mức phí đối với các xe ngựa rất thấp, chỉ 25.000 đồng/chuyến. Do đó, dù khách nước ngoài hay nội địa đến với các điểm du lịch sinh thái ở Tiền Giang và Bến Tre đều không thể bỏ qua chương trình đi xe ngựa trên đường quê.
Ông Trần Tuấn Kha, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thạch, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre cho biết, địa phương đã phát triển được 18 điểm du lịch sinh thái. Trong đó du lịch đi xe ngựa trở thành chương trình thiết yếu.
“Du lịch ngựa không chỉ thu hút khách du lịch mà giải quyết việc làm cho số lao động nhàn rỗi tại địa phương. Chúng tôi có làm việc với các chủ phương tiện về việc phòng bệnh dịch cho ngựa, khuyến khích các chủ xe ngựa tiên phòng bệnh. Hai là phải đảm bảo an toàn giao thông khi lưu thông trên đường”, ông Trần Tuấn Kha cho biết.
Theo các hộ dân cho biết, chọn ngựa để lam du lịch rất khó, đòi hỏi con ngựa phải ngoan hiền và hình dáng đẹp. Khi mua ngựa về phải huấn luyện rất tốn công, phải chăm sóc, phòng bệnh cho ngựa chu đáo. Đặc biệt người điều khiển xe ngựa phải biết xử lý tình huống khi ngựa "chứng” để giữ an toàn cho du khách.
Sau những bộn bề, ngột ngạt của cuộc sống đô thị, du khách được ngồi trên những cỗ xe ngựa, được nghiêng mình trên những con đường ngoằn ngoèo, dưới rặng dừa xanh...Khi ấy, du khách mới cảm nhận được cái hồn quê thật êm đềm, được thưởng thức bầu không khí trong lành, xua tan nỗi mệt nhọc, vướng bận trong tâm hồn để tiếp tục bước vào ngày mới./.