Đa số các ý kiến tại tọa đàm đều cho rằng, để tạo sức bật cho ngành du lịch, tỉnh Tuyên Quang cần chú trọng cải tạo, nâng cấp về cơ sở vật chất, tạo điều kiện tốt hơn trong vấn đề tiếp đón và phục vụ du khách. Bên cạnh đó, tỉnh cần đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông để khai thác lợi thế về du lịch. Đặc biệt, vấn đề liên kết hợp tác với các địa phương trong xây dựng sản phẩm mới và kết nối trao đổi khách du lịch với các thị trường trọng điểm cần được tỉnh Tuyên Quang đẩy mạnh triển khai.

Sau chuyến khảo sát 2 ngày tại huyện Na Hang và Lâm Bình để tìm hiểu về tiềm năng, thế mạnh du lịch, những chính sách ưu đãi về du lịch của tỉnh Tuyên Quang, hơn 80 đại diện các công ty, doanh nghiệp lữ hành, hội tụ từ khắp 3 miền Bắc, Trung, Nam cùng tham gia đóng góp ý kiến, chia sẻ kinh nghiệm trong các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại và phát triển du lịch. 

Bà Nguyễn Thị Huyền Trang – Giám đốc Công ty du lịch Chào Thế Giới nêu ý kiến: "Về cơ sở lưu trú cần cải thiện số lượng tốt hơn và đa dạng hơn, nên thay đổi nhanh để có thể đáp ứng nhu cầu sắp tới, khi du lịch trở lại thì nhiều du khách sẽ đến. Với những điểm du lịch, ngay từ cổng vào nên trang hoàng đẹp hơn để du khách có thiện cảm ngay từ ban đầu".

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ 17 xác định, đến năm 2025, du lịch Tuyên Quang trở thành ngành kinh tế quan trọng, với mục tiêu đạt 2,2 triệu lượt khách trong năm 2022. Để đạt được mục tiêu này, tỉnh Tuyên Quang sẽ liên kết chặt chẽ với các nhà đầu tư, các tổ chức, doanh nghiệp du lịch trong cả nước để giới thiệu các dự án trọng điểm, thu hút đầu tư phát triển du lịch; quảng bá và khai thác các tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch của địa phương.

Tại buổi tọa đàm, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư tỉnh Tuyên Quang đã ký biên bản thỏa thuận về hợp tác xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch với Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch Hà Nội, Công ty CP hàng không Vietjet, Câu lạc bộ Lữ hành Unesco Hà Nội và Hội Lữ hành G7 TP.HCM./.