Ngày 28/11, hội thảo Tăng tốc phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo trong du lịch và ẩm thực được tổ chức trong khuôn khổ Techfest Vietnam 2020. Chuyển đổi số, đổi mới tư duy được coi là giải pháp để doanh nghiệp du lịch "vượt khó", trong bối cảnh toàn ngành chịu thiệt hại nặng nề vì dịch bệnh Covid-19.

Tại hội thảo, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, "không thay đổi lúc này thì không còn lúc nào để thay đổi nữa". Ông Lý Đình Quân – Tổng Giám đốc Songhan Incubator nhận định, đây là "thời điểm vàng" để các doanh nghiệp du lịch thực hiện chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo.

"Các doanh nghiệp phải thay đổi tư duy vì bối cảnh đã thay đổi. Hoạt động du lịch phát sinh thêm những yêu cầu mới, giá trị mới. Khách hàng thay đổi thói quen, hành vi khi đi du lịch, sản phẩm dịch vụ sẽ phải theo hướng an toàn, gắn với thiên nhiên, văn hóa bản địa và du lịch thông minh, tiện lợi. Chuyển đổi số trong thời điểm này sẽ giúp các doanh nghiệp mở rộng thị trường gấp 10 – 20 lần, thậm chí vươn ra quốc tế. Đây là điều trước đây khó thực hiện được" – ông Lý Đình Quân cho biết.

Ông Nguyễn Lâm Thanh - Giám đốc Chính sách công TikTok Việt Nam khẳng định, dịch bệnh Covid-19 cũng mang đến cơ hội để Du lịch Việt Nam chấm dứt giai đoạn phát triển nóng. Lấy ví dụ về các tour khám phá hang động tại Quảng Bình dù giá cao vẫn hút khách trong mùa dịch, ông Nguyễn Lâm Thanh cho rằng trong thời gian tới các sản phẩm du lịch sẽ cần gia tăng về mặt giá trị thay vì những sản phẩm đại trà như trước đây.

Chia sẻ câu chuyện về chuyển đổi sau Covid-19, CEO Liberzy – ông Trương Đức Thắng cho biết công ty đã tư vấn cho một cơ sở lưu trú tại Đà Nẵng để khắc phục tình trạng công suất phòng sụt giảm mạnh.

"Trước đây cơ sở này chủ yếu phục vụ khách nước ngoài thông qua các bên trung gian, họ cũng không quan tâm đến chuyển đổi số. Sau khi công suất phòng giảm 50% vì mất nguồn truyền thống, giải pháp được đưa ra là chuyển sang cho thuê phòng theo giờ, tập trung vào khách nội địa. Đương nhiên chủ cơ sở phải chuyển đổi số, dùng công nghệ để tiếp thị và tiếp cận khách hàng" – ông Trương Đức Thắng phát biểu tại hội thảo.

Hiện nay, các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo cũng nhận được nhiều hỗ trợ từ các vườn ươm, hệ sinh thái và cơ quan nhà nước cùng việc chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ. Ví dụ, TP. Hà Nội đang hỗ trợ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo về phí tham gia ươm tạo tại các tổ chức ươm tạo, ở mức 50% không quá 5 triệu đồng/tháng/doanh nghiệp trong thời gian ươm tạo. 

Các tổ chức ươm tạo, hệ sinh thái khởi nghiệp du lịch trên cả nước cũng giúp các doanh nghiệp du lịch kết nối với mạng lưới chuyên gia, nhà đầu tư… rộng khắp cả nước; qua đó những ý tưởng được hiện thực hóa thành mô hình kinh doanh, từng bước tìm kiếm khách hàng, định vị sản phẩm, gọi vốn đầu tư, truyền thông, mở rộng quy mô và tiếp cận thị trường.

Riêng về tiếp thị du lịch và ẩm thực, phía Tiktok Việt Nam gợi ý những giải pháp truyền thông hiệu quả, gia tăng cảm xúc và trải nghiệm của khách hàng. "Thông qua số lượng rất lớn các video ngắn về trải nghiệm du lịch, người xem sẽ biết trước về điểm đến, hiểu hơn về dịch vụ hiện có. Cộng đồng người dùng Tiktok tại Việt Nam luôn giành nhiều quan tâm đến các nội dung du lịch và ẩm thực, đây là nền tảng tốt để các doanh nghiệp, địa phương tổ chức các chiến dịch quảng bá" – ông Nguyễn Lâm Thanh cho biết thêm.

Ngoài các giải pháp công nghệ, ông Lý Đình Quân nhấn mạnh yếu tố quyết định thành công của đổi mới sáng tạo vẫn nằm ở con người. "Một khi đã chuyển đổi thì sẽ thay đổi hoàn toàn mô hình kinh doanh, quy trình vận hành, vậy nên quan trọng nhất là người lãnh đạo phải thay đổi tư duy. Người đứng đầu phải thực sự quyết tâm, vượt qua chính mình để bắt đầu lại, đi học hỏi, tìm chuyên gia tư vấn. Sau đó, đội ngũ nhân sự cũng phải được trang bị thêm kỹ năng phù hợp với mô hình vận hành mới"./.