Hãng nghiên cứu thị trường Technavio (Mỹ) vừa công bố dự báo thị trường khách sạn Việt Nam giai đoạn 2022 – 2026. Theo đó, động lực chính giúp thị trường khách sạn Việt Nam tăng trưởng trong giai đoạn dự báo là sự gia tăng về khả năng chi trả của người dân. Điều này thể hiện qua sự tăng trưởng về thu nhập khả dụng bình quân đầu người và tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định ở Việt Nam. Ngoài ra, việc hệ số bất bình đẳng về thu nhập (Gini) đang giảm cũng sẽ cải thiện khả năng chi tiêu. Dân số tiếp tục tăng cùng tỉ lệ phụ nữ đi làm cũng là yếu tố thúc đẩy tăng trưởng thị trường khách sạn ở Việt Nam trong giai đoạn 2022 – 2026.
Khi so sánh giữa các chuỗi khách sạn với cơ sở lưu trú đơn lẻ tại Việt Nam, nghiên cứu của Technavio cho rằng phân khúc chuỗi khách sạn sẽ tăng trưởng đáng kể về thị phần. "Sự tăng trưởng ổn định của ngành du lịch và lữ hành, cùng mức đầu tư lớn vào các khách sạn 4 – 5 sao do xu hướng nghỉ dưỡng ngày càng gia tăng tại Việt Nam sẽ thúc đẩy sự tăng trưởng của phân khúc này" – báo cáo cho biết.
Tuy nhiên trong những năm tới, ngành khách sạn Việt Nam cũng đứng trước nhiều thách thức, nhất là yếu tố thời tiết bất thường và các hệ quả từ biến đổi khí hậu. Sự gia tăng của thiên tai như bão nhiệt đới, lũ lụt, mực nước biển dâng cao hoặc cả dịch bệnh sẽ đặt ra thách thức nghiêm trọng cho hoạt động kinh doanh du lịch quốc tế, cũng như của các khách sạn tại Việt Nam.
Báo cáo lấy ví dụ tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long đã gây thiệt hại về sinh kế cho người dân. "Các thảm họa môi trường ảnh hưởng đến nông nghiệp, đa dạng sinh học, sức khỏe con người và ngành du lịch; khi đó sẽ đòi hỏi từ 20 – 24 tháng để phục hồi. Những yếu tố này có thể cản trở sự tăng trưởng của thị trường trong giai đoạn dự báo".
Dù vậy, nghiên cứu cũng đưa ra các dự báo lạc quan cho ngành du lịch Việt Nam từ nay đến năm 2026. Thị phần khách sạn tại Việt Nam dự kiến sẽ tăng 2,12 tỷ USD từ năm 2021 đến năm 2026, và thị trường sẽ có mức tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 14,43%./.