Nền tảng Hoteljob.vn vừa thực hiện khảo sát với những người làm việc trong ngành khách sạn, nhà hàng trên cả nước, ở nhiều độ tuổi và đảm nhận những cấp bậc khác nhau từ nhân viên, giám sát, tổ trưởng, trưởng bộ phận, nhân viên cấp cao, thực tập sinh, nhân viên tạp vụ...
Đáng chú ý, có đến 80% người được hỏi muốn tiếp tục gắn bó với nghề khách sạn, nhà hàng, 16% người sẽ chuyển sang công việc khác nếu có cơ hội, 4% không muốn theo nghề nữa. Đây là tín hiệu đáng mừng cho ngành nhà hàng, khách sạn, du lịch trước làn sóng chuyển việc thời gian qua vì đại dịch Covid-19.
Theo khảo sát, có nhiều lý do người lao động chọn nghề khách sạn, du lịch như công việc này rèn luyện tác phong và kỹ năng làm việc tốt; mang lại mối quan hệ tốt, ổn định; giờ làm việc linh hoạt, phù hợp với lối sống của nhiều người; danh tiếng của nghề tốt cho cơ hội thăng tiến sau này...
Tuy nhiên khảo sát cho thấy, gần 50% nhân sự nghề khách sạn, nhà hàng cảm thấy không hài lòng với công việc và mức thu nhập; 40% cảm thấy bình thường và chỉ một số ít lao động hài lòng với thu nhập. Điều này chứng tỏ chế độ phúc lợi, lương thưởng so với tính chất công việc của nghề khách sạn, nhà hàng vẫn chưa đủ sức hấp dẫn, tạo động lực cho nhân sự gắn bó với nghề.
Du lịch phục hồi cũng là lúc người lao động trong ngành khách sạn, nhà hàng rất vất vả. Khảo sát cho thấy 48% người làm việc trong nghề nhà hàng, khách sạn chỉ nghỉ 1 ngày/tuần; có 36% được nghỉ 2 ngày/tuần và 16% được nghỉ 1,5 ngày/tuần. Thậm chí nhiều nhân viên phải làm liên tục cả cuối tuần, ngày lễ, Tết... vì đây là những thời điểm khách đông nhất.
Theo khảo sát, 68% lao động nghề nhà hàng, khách sạn lựa chọn việc đi làm xa, miễn có thu nhập cao và môi trường làm việc tốt, còn lại 32% muốn được làm việc gần nhà. Nhìn chung, xu hướng lựa chọn việc làm ở xa đang tăng cao. Bởi lẽ phần lớn nhân sự làm việc trong nghề nhà hàng, khách sạn gặp tình trạng khó khăn khi tìm việc ở nơi đang sinh sống nên buộc phải di chuyển sang các tỉnh, thành khác. Một số nguyên nhân gây ra tình trạng này là các cơ sở nhà hàng, khách sạn chưa phục hồi kinh doanh; địa phương không có nhiều lợi thế về du lịch; thu nhập công việc nhà hàng, khách sạn thấp, bấp bênh không đủ trang trải cuộc sống hoặc môi trường làm việc không tốt./.