vov_1_xdya.jpg
Ẩn mình trên núi Tung Sơn, thành phố Đăng Phong, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc, chùa Thiếu Lâm hay còn gọi là Thiếu Lâm Tự được xưng tụng là cái nôi của võ thuật Trung Hoa với câu nói "Thiên hạ công phu xuất Thiếu Lâm" (mọi võ thuật trong thiên hạ đều khởi phát từ Thiếu Lâm).
Thiếu Lâm Tự trong tiếng Hán có nghĩa là “ngôi chùa trong rừng gần đỉnh núi Thiếu Thất”, thuộc dãy Tung Sơn, thành phố Đăng Phong, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc.  
Chùa nổi tiếng từ lâu vì sự kết hợp giữa Phật giáo Thiền tông và võ thuật. Là cái nôi của Thiền Tông Trung Hoa, chùa Thiếu Lâm được coi là một cơ sở phật giáo hàng đầu của châu Á cũng như thế giới. Ảnh: Tượng Bồ Đề Đạt Ma
Chùa Thiếu Lâm được thành lập năm 495 dưới thời Bắc Ngụy. Vị trụ trì đầu tiên của chùa là Thiền sư Bồ Đề Đạt Ma từ Ấn Độ và ông cũng chính là người sáng lập nên võ phái Thiếu Lâm quyền pháp trong chùa. Quyền pháp Thiếu Lâm hiện nay có 3 hệ pháp chính đó là Thiếu Lâm Tung Sơn (Hà Nam), Thiếu Lâm quyền Bắc phái (Giang Tô) và Thiếu Lâm quyền Nam phái (Phúc Kiến). Ảnh: Bức tường đá hình ảnh các môn võ trong chùa Thiếu Lâm.
Trải qua mưa gió lịch sử với chiều dài 15 thế kỷ, chùa đã bị phá hủy và xây dựng lại nhiều lần. Hiện nay chùa Thiếu Lâm có 8 cơ sở tại khắp Trung Quốc. 
Chùa Thiếu Lâm là một quần thể kiến trúc rộng lớn với những công trình đáng chú ý như Tam Môn, Đại Hùng Bảo Điện, Tàng Kinh Các, Lục Tổ Đường, Đình Đạt Ma... trên diện tích khoảng 60.000 m2 
Góc mái kiến trúc chùa Thiếu Lâm.
Đại Hùng Bảo Điện.
Nổi bật và quen thuộc hơn cả đối với du khách là Tàng Kinh Các, một cái tên thường xuyên được nhắc đến trong các tiểu thuyết chưởng trường thiên. Đây là nơi lưu giữ các bộ kinh, sách quý giá về Phật pháp, võ thuật của Thiếu Lâm Tự.  
Dưới chân núi chùa Thiếu Lâm có khoảng 50 võ đường với 50.000 môn sinh theo học. Các môn sinh sẽ phải trải qua khóa rèn luyện rất khắc nghiệt với tính kỷ luật cao nhằm tôi luyện sức chịu đựng của bản thân để đạt đến sự hoàn thiện về thể chất cũng như tinh thần. 
Học viên Triệu Phàm Phu – người đã luyện tập 5 năm tại chùa cho biết:          “Tu luyện là một quá trình không ngừng nghỉ và vượt qua chính mình. Tôi nghĩ điều lớn nhất mà võ thuật đem lại cho tôi là sự kiên trì và nghị lực, nếu không có nghị lực sẽ rất khó thành công”.
 Đến với chùa Thiếu Lâm, du khách còn được xem các nhà sư trong chùa Thiếu Lâm thể hiện công phu với những bài côn, quyền, khí công độc nhất vô nhị, khiến ai chiêm ngưỡng cũng trầm trồ thán phục và công nhận vì sao Thiếu Lâm được vinh danh đến vậy trong làng võ học. 
Chị Tần Nghiên – một du khách đến chùa cho biết: “Đây là lần đầu tiên tôi đến chùa Thiếu Lâm và tôi đã được tận mắt nhìn thấy công phu Thiếu Lâm trong các tiểu thuyết kiếm hiệp. Điều làm tôi ấn tượng nhất là các võ thuật mà đệ tử Thiếu Lâm thể hiện thật sự rất có hồn và đầy sức mạnh”.