Norooz có nghĩa là ngày mới và cũng là ngày đầu tiên của Mùa xuân bắt đầu một năm mới theo lịch của người Ba Tư – được gọi là Hijri Shamsi. Norooz được coi là một trong những phong tục cổ và lâu đời nhất trên thế giới.

Norooz là một phong tục truyền thống có nguồn gốc từ nền văn hoá cổ Iran. Đã hơn 3000 năm qua, hàng năm cứ vào dịp Năm mới tất cả những người Iran cũng như hơn 300 triệu người trên toàn thế giới tổ chức Năm mới.

tet-iran.jpg
Bảy món bắt đầu bằng chữ "S" đặt trên bàn trong ngày Năm mới Norooz

Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc đã công nhận ngày 21/3 như ngày Norooz Quốc tế. Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá Unessco vào ngày 30/9/2009 cũng công nhận Norooz là di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Norooz tượng trưng cho sự sinh sôi nảy nở của tự nhiên và lòng người. Chúng tôi tin rằng khi vạn vật đất trời thay đổi thì con người cũng thay đổi. Trước khi Năm mới đến, chúng tôi dọn dẹp nhà cửa và mua sắm quần áo mới. Nếu bạn có dịp đến Iran vào dịp Năm mới, chắc chắn bạn sẽ tận mắt thấy người Iran chuẩn bị đón Năm mới như thế nào.

Trong suốt những ngày đầu của Năm mới, gia đình và bạn bè gặp gỡ  nhau và những người lớn tuổi hơn sẽ mừng tuổi cho những người nhỏ tuổi.

Bảymónbắt đầu bằng chữ “S” trong tiếng Ba Tư

Truyền thống chính của người Iran vào Norooz là sắp xếp bảy món bắt đầu bằng chữ S trong tiếng Ba Tư trên bàn được gọi là Haft Seen, những thứ này tượng trưng cho bảy Đấng tạo hoá và bảy vị thần bảo vệ con người. Chúng tượng trưng cho sự may mắn, sức khoẻ, sự dồi dào và trù phú về mặt của cải cho tất cả những gia đình khi Năm mới đến.

Vào khoảnh khắc mùa xuân đến, tất cả các gia đình quây quần bên bàn Haft Seen để tổ chức mừng Năm mới. Một số gia đình thì đón Năm mới tại các Thánh đường Islam giáo hay tại các khu lăng mộ của những vị Giáo chủ tôn giáo. Bảy món mà người Iran đặt trên bàn vào ngày Năm mới như sau:

1.     Sabze: mầm xanh từ các hạt ngũ cốc, được trang trí bằng những dải ruy băng: tượng trưng cho sự phồn vinh và thịnh vượng trong Năm mới.

2.     Sekeh (Tiền xu): những xu bạc hay xu vàng, tượng trưng cho phú quý và giàu sang

3.    Samanu: một loại bột từ mầm lúa mỳ, tượng trưng cho sự sung túc

4.     Senjed: một loại hạt khô tượng trưng cho tình yêu

5.     Seer: tỏi, tượng trưng cho sức khoẻ

6.     Sumac: quả cây thù du, tượng trưng cho ngày mới

7.     Seeb: táo, tượng trưng cho vẻ đẹp và sức khoẻ.

Ngoài ra, người Iran còn đặt cuốn Kinh Koran, tượng trưng cho sự thờ phụng, gương là sự phản chiếu quá khứ, một bát cá vàng tượng trưng cho cuộc sống, đồ ngọt tượng trưng cho sự ngọt ngào, một bát nước trong đó có một quả táo đỏ và những quả trứng được sơn bằng những màu sắc sặc sỡ tượng trưng cho sự dồi dào của bàn Haftseen.

Sizdah be Dar-“Ngày13 racửa”

“Ngày 13 ra cửa” là một ngày thiên nhiên theo truyền thống của người Iran cổ đại, phong tục này có từ hàng ngàn năm trước và đánh dấu ngày cuối cùng của Lễ hội Năm mới. Trái với quan niệm của đại đa số, con số 13 không phải là con số không may mắn, nó chỉ đơn thuần là một ngày được chọn để ăn mừng sau Lễ hội Năm mới.

Vào ngày cuối cùng của Lễ hội, mọi người thường rời nhà và đi đến những khu vực như công viên, rừng cây nơi họ có thể hoà mình vào thiên nhiên.

Trong ngày cuối cùng này mọi người cùng nhau buộc những lá mạ được gieo từ các hạt ngũ cốc lại với nhau rồi thả chúng xuống dòng nước. Họ tin rằng nếu những mối buộc được mở ra thì may mắn sẽ đến và những điều ước sẽ thành hiện thực./.