Làm mới các sản phẩm du lịch
Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến ngành Du lịch Ninh Bình, khiến lượng khách sụt giảm nghiêm trọng. Theo thông tin của Sở Du lịch Ninh Bình, 9 tháng năm 2020, lượng khách đến Ninh Bình đạt 2,1 triệu lượt (giảm 68% so với cùng kỳ). Mặc dù khó khăn, du lịch Ninh Bình vẫn đặt mục tiêu đón 3,5 triệu lượt khách trong năm 2020 và nỗ lực chuẩn bị tổ chức Năm Du lịch quốc gia 2021.
Phát biểu tại Hội nghị Xúc tiến, quảng bá du lịch Ninh Bình năm 2020, Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình - ông Bùi Thành Đông cho biết: Xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, những năm gần đây, Ninh Bình đã thực hiện các giải pháp bảo đảm an ninh trật tự, xử lý triệt để tình trạng trộm cắp, chèo kéo, móc túi, ăn xin ăn mày tại các khu điểm du lịch; chú trọng giữ gìn vệ sinh môi trường xanh - sạch - đẹp... nhằm xây dựng hình ảnh du lịch Ninh Bình thân thiện, mến khách.
Trong thời gian tới, các sản phẩm du lịch gắn với giá trị văn hóa và dịch vụ vui chơi, giải trí về đêm sẽ được đẩy mạnh tại Ninh Bình. Sản phẩm “Bái Đính về đêm” được làm mới lại theo hướng tăng thêm trải nghiệm cho khách; xây dựng thêm tour khám phá văn mình người Việt cổ, tour kết nối cố đô Hoa Lư và kinh thành Thăng Long, tuyến du lịch trên sông từ thành phố Ninh Bình - Tràng An...; cùng với đó là khai thác phố đi bộ và chợ đêm tại thành phố Ninh Bình phục vụ khách du lịch.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu cho rằng Du lịch Ninh Bình nên tập trung vào những sản phẩm đặc thù, riêng có và gắn với giá trị văn hóa bản địa. Sau Covid-19, xu hướng du lịch có nhiều thay đổi. Du lịch đại trà sẽ không còn phổ biến, thay vào đó những sản phẩm sinh thái, an toàn, tăng hàm lượng văn hóa và các hoạt động hữu ích thiết thực cả về sức khỏe thể chất lẫn tinh thần. Những sản phẩm như “Bái Đính về đêm” sẽ giúp du khách cảm nhận sâu sắc hơn các giá trị văn hóa và thoải mái tinh thần, giảm bớt căng thẳng, bận tâm.
Chỉ cần khách nghỉ thêm 1 đêm là thắng lợi lớn
Trong đợt kích cầu du lịch nội địa lần 2, nhu cầu của khách du lịch đã thay đổi và số lượng cũng giảm. Khó để tăng ồ ạt về số lượng, ngành du lịch Ninh Bình cố gắng “níu chân” du khách ở lại dài ngày hơn. “Du lịch Ninh Bình đang nỗ lực kéo dài thời gian lưu trú của du khách. Với nhiều sản phẩm mới và hấp dẫn, du khách sẽ cần từ 3-4 ngày mới khám phá hết Ninh Bình” – ông Bùi Thành Đông cho biết.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu đánh giá cao nỗ lực của ngành du lịch Ninh Bình và các doanh nghiệp trong việc khôi phục hoạt động du lịch, làm mới sản phẩm và kéo dài thời gian lưu trú của du khách. “Không chỉ tăng lượng khách, du lịch Ninh Bình phải làm sao để chỉ cần khách nghỉ thêm 1 đêm đã là thắng lợi lớn” – ông Hà Văn Siêu nhấn mạnh. Để làm được điều này cần khai thác yếu tố văn hóa, lịch sử, môi trường sinh thái đặc sắc, xây dựng Ninh Bình trở thành “di sản sống” để thu hút khách du lịch.
Cùng quan điểm này, ông Trương Quốc Hùng – Chủ tịch Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO Hà Nội đề xuất: “Bên cạnh làm mới trải nghiệm, dịch vụ, các doanh nghiệp tại Ninh Bình nên liên kết và xây dựng đồng loạt các gói giảm giá vào ngày trong tuần (từ thứ 2 đến thứ 5), vì lượng khách có thời gian và nhu cầu đi vào các ngày này không nhỏ. Đặc biệt, với đêm nghỉ thứ 2, đêm nghỉ thứ 3 của khách thì khách sạn phải giảm giá nhiều hơn nữa”.
Công tác liên kết sản phẩm giữa các địa phương cũng là giải pháp quan trọng để thu hút khách. Ông Hoàng Văn Tuyên – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Lào Cai cho biết: Dịp cuối năm lượng khách khu vực phía Nam ra miền Bắc khá lớn, vậy nên các tỉnh phải liên kết để tạo ra sản phẩm khác biệt, tránh trùng lắm. Du khách được trải nghiệm nhiều nơi, nhiều loại hình nên sẽ lưu lại lâu hơn.
Ông Phạm Ngọc Thủy – Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh cho rằng thời điểm này không nên giảm giá thêm nữa mà phải nâng cao chất lượng, làm mới sản phẩm, thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa, sản vật địa phương. Tháng 11 tới đây, tỉnh Quảng Ninh tổ chức Hội nghị kết nối du lịch Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Bắc để kích cầu du lịch, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng địa phương./.