Nhiều khu resort ở Hàm Tiến, Mũi Né, TP. Phan Thiết đã chuẩn bị để sẵn sàng “mở cửa” đón khách trở lại. Để việc kinh doanh đáp ứng với công tác phòng chống dịch, nhiều đơn vị đã áp dụng một số công nghệ để khách chia sẻ thông tin trước khi đến resort; hạn chế các thủ tục đăng ký và tiếp xúc trực tiếp; cập nhật lại các quy trình từ khâu chuẩn bị đến khâu phục vụ để vừa đáp ứng nhu cầu của khách vừa đảm bảo phòng chống dịch.
Một số cơ sở đã đầu tư thêm các trang thiết bị kỹ thuật số như thực đơn điện tử, thanh toán trực tuyến tạo thuận tiện cho khách và thực hiện thông điệp 5K; khử khuẩn vệ sinh khu vực công cộng mà khách thường sử dụng hàng ngày và đặc biệt là có quy trình xử lý tình huống khi phát hiện ca dương tính với SARS-CoV-2. Nhiều đơn vị cũng đã chuẩn bị phương án “3 tại chỗ”, test nhanh COVID-19 cho nhân viên khi ra vào làm việc.
Đại diện Pandanus Resort tại Mũi Né, Phan Thiết cho biết cơ sở này đã sẵn sàng mở cửa đón khách trở lại và resort cũng đã nhận được nhiều yêu cầu của khách, tuy nhiên vẫn chưa thể nhận đặt phòng. Resort đã chuẩn bị các gói nghỉ dưỡng dài hạn và ngắn hạn để phù hợp với từng đối tượng khách. Các gói nghỉ dưỡng sẽ bao gồm các phương tiện đưa đón riêng biệt cho gia đình hoặc nhóm bạn và dịch vụ khác dành cho khách vừa có nhu cầu đi nghỉ dưỡng vừa làm việc, thậm chí các em nhỏ vừa nghỉ ngơi vừa đảm bảo việc học online.
Để từng bước khôi phục hoạt động phù hợp điều kiện địa phương, trước mắt Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Bình Thuận tham mưu UBND tỉnh tổ chức tiêm vaccine phòng COVID-19 đợt 1 cho hơn 3.000 lao động trực tiếp trong ngành du lịch. Đồng thời phối hợp với chính quyền địa phương cũng như hiệp hội du lịch đề xuất giảm thuế, giảm 80% tiền ký quỹ đối với doanh nghiệp lữ hành; giảm tiền điện, tiền thuế đất đối với doanh nghiệp lưu trú, nghỉ dưỡng; giãn, hoãn nộp các khoản phí thường niên theo quy định hiện hành của Nhà nước như: bảo hiểm xã hội, y tế, công đoàn... hỗ trợ hướng dẫn viên du lịch, sẵn sàng phương án thí điểm đón khách du lịch trở lại.
Ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Bình Thuận cho biết, trước mắt, ngành du lịch đề xuất tập trung đón khách du lịch nội tỉnh. Tiếp theo là phương án đón khách du lịch nội địa từ các vùng “vùng xanh” và người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam đến Bình Thuận. Theo ông Nguyễn Văn Khoa, Bình Thuận sẽ thí điểm du lịch an toàn, với điều kiện cơ bản là khu du lịch phải an toàn rồi đón du khách an toàn. Dự kiến cuối tháng 10, Bình Thuận sẽ mở cửa thí điểm cho một số cơ sở lưu trú đủ điều kiện để đón khách an toàn.
Do hoạt động du lịch nội địa phải gắn với bảo đảm an toàn phòng, chống dịch COVID-19 nên ngành du lịch Bình Thuận chỉ mở cửa thí điểm khách sạn có quyết định công nhận hạng từ 3 - 5 sao hoặc tương đương. Đối với dịch vụ lữ hành, điểm tham quan phải đạt tiêu chí an toàn được UBND tỉnh công nhận. Du khách đến tỉnh Bình Thuận là người đã tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19, có giấy chứng nhận kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ.
Bên cạnh xây dựng các tiêu chí an toàn, Bình Thuận cũng đang nỗ lực đẩy mạnh việc tiêm vaccine 100% cho nguồn nhân lực trực tiếp phục vụ du lịch và cộng đồng dân cư nơi có điểm đến tham quan du lịch; chuẩn bị các điều kiện sẵn sàng mở cửa đón khách trong trạng thái bình thường mới./.