Xuất phát từ bến Chùa Bồ Đề, tour du lịch có lộ trình đưa chúng tôi thăm một số địa danh nổi tiếng dọc ven sông Hồng như: Đền Mẫu Đại Lộ, đền Dầm, Đền Chử Đồng Tử, Làng gốm Bát Tràng. Trong tiết cuối thu, trời xe lạnh khi mặt trời chưa ló rạng, lớp sương nhẹ trên dòng sông cho du khách cảm giác mới lạ khi được hòa mình vào cảnh quan sông nước hữu tình, chiêm ngưỡng vẻ đẹp 2 bên bờ.
Du lịch sông Hồng là chuyến tham quan làng quê, đưa du khách hoà mình vào không khí trong lành thoáng đãng của thiên nhiên sông nước và được tìm hiểu về những truyền thuyết được ghi lại dấu tích bên bờ sông. Mỗi năm có khoảng trên 20000 lượt khách/năm, trong đó là 25% là khách Quốc tế tham gia tuyến du lịch sông Hồng.
Du khách rời tàu đến các điềm du lịch ven sông Hồng. Đền Dầm là điểm dừng chân đầu tiên sau hơn 1 giờ ngồi trên tàu. Đây là nơi thờ Thuỷ cung Thánh mẫu, tức Mẫu Đệ Tam trong tâm thức dân gian người Việt. Đền còn có cây đa trên 400 năm tuổi; có sự tích về Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đánh đuổi quân Nguyên Mông và nhiều chuyện huyền bí xung quanh loài Cá Thần vẫn được lưu truyền trong các thế hệ người dân địa phương.
Cây đa trên 400 năm tuổi ở đền Dầm. Điểm đến tiếp theo là, “ngôi đền tình yêu” thờ Tiên Dung và Chử Đồng Tử. Đức thánh Chử Đồng Tử và Tiên Dung công chúa đã đi vào cổ tích nhưng tình yêu của họ vẫn còn mãi với thời gian và bất tử trong các thế hệ người dân Việt Nam, trở thành thiên tình sử đẹp nhất trong kho tàng văn học dân gian.
Sau bữa trưa, tàu đưa du khách quay về khám phá làng gốm cổ Bát Tràng. Khu chợ gốm phong phú từ con thú đất nhỏ xíu đến chiếc lọ lục bình cao hơn một mét. Sờ tận tay những sản phẩm gốm thuần Bát Tràng.
Đồng bằng sông Hồng là vùng đất giàu tiềm năng về du lịch. Nếu khai thác đúng hướng, nơi đây có thể phát triển và mở rộng các loại hình du lịch như: du lịch sinh thái, du lịch văn hóa - lịch sử - tâm linh. Đồng bằng sông Hồng còn là nơi chứa đựng các giá trị lịch sử - văn hóa đặc sắc thể hiện ở các khu di tích chùa Bái Đính, Hoa Lư, Cổ Loa, Côn Sơn - Kiếp Bạc, đền Trần, Phủ Dày, phố Hiến,...
Với tiềm năng hiện có, du lịch tuyến sông Hồng hoàn toàn có thể trở thành điểm hút khách, vấn đề là cần mở rộng các điểm đến, tạo sản phẩm đặc trưng nâng cao chất lượng dịch vụ để thu hút từng đối tượng khách.
Hướng dẫn viên du lịch đang thuyết minh với du khách về điểm thăm quan. Bà Nguyễn Thị Điều Mến, Trưởng phòng kinh doanh Thăng Long GTC Travel thộc công ty TNHH Một thành viên Thăng Long GTC (đơn vị đang khai thác du lịch sông Hồng) cho biết: “Lượng khách tham gia du lịch sông Hồng ngày càng đông, nhất là vào dịp nghỉ lễ, lễ hội sau tết âm lịch hàng năm, còn ngày thường thì du khách chủ yếu đi tham quan vào Thứ 7 và Chủ Nhật”.
Theo đánh giá của các doanh nghiệp lữ hành, tuyến du lịch sông Hồng đang chủ yếu khai thác dòng khách nội địa, kết hợp giữa du lịch sinh thái và du lịch tâm linh. Tour du lịch này hiện vẫn khai thác các điểm du lịch cũ, chưa có sự đầu tư tạo ra những sản phẩm du lịch độc đáo. Về cơ sở hạ tầng tàu thuyền có thể thỏa mãn nhu cầu của khách nội địa nhưng đón khách quốc tế cần đầu tư nâng cấp hiện đại và giảm tiếng ồn của động cơ.
Anh Đàm Quang Kết ở TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận chia sẽ sau chuyến du lịch Sông Hồng: “Cần có những chương trình giao lưu trên tàu trong cả chuyến đi, tạo sự gắn kết cho du khách. Các điểm đến còn mộc mạc, hoang sơ. Nếu đến thăm đền Dầm mà được nghe hát 1 giá hầu Đồng thì hay biết bao. Thăm Bát Tràng mà đến được cơ sơ sản xuất thì hấp dẫn hơn là đi thăm chợ. Vì đến cơ sở sản xuất mới cảm nhận được giá trị sản phẩm”.
Anh Tính một du khách Hà Nội trên cùng chuyến đi nhận xét: “Chất lượng bữa ăn trưa trên tàu cần được nâng lên cũng như phát nước uống cho du khách. Có thể nâng giá tour lên để đảm bảo chất lượng sinh hoạt cho khách, những người đi du lịch bây giờ cũng không khó khăn lắm về kinh tế”.
Tàu Thăng Long 18 được nâng cấp gần 2 tỷ đồng chuẩn bị đưa vào khai thác. Nội thất tàu Thăng Long 18. Trước những đòi hỏi ngày càng cao của nhu cầu đi du lịch của du khách trong nước và nước ngoài thăm sông Hồng, xí nghiệp đầu tư phát triển du lịch sông Hồng đang từng bước nâng cấp chất lượng sản phẩm du lịch. Ông Lê Thắng Giám đốc xí nghiệp đầu tư phát triển du lịch sông Hồng cho biết: “Từ năm 2013 chúng tôi nâng cấp đội tàu, riêng con tàu Thăng Long 18 được nâng cấp với số tiền gần 2 tỷ đồng, hiện nay về mặt thủ tục và sửa chữa đã xong, chuẩn bị đưa vào khai thác. Tàu Thăng Long 18 đạt tiêu chuẩn Quốc tế, tàu tương đối hiện đại phù hợp với chạy vùng các sông và ven biển du lịch như vịnh Hạ Long. Chúng tôi đang tiếp tục triển khai nâng cấp 3 con tàu nữa. Từ đó nâng cao chất lượng dịch vụ, sản phẩm du lịch và nâng cao cơ sở vật chất những bến bãi và nội thất những con tàu”./.