Giảm sâu so với năm 2020
Đại dịch Covid-19 khiến đội ngũ doanh nghiệp du lịch tại Hà Nội tiếp tục "sứt mẻ". Hồi cuối năm 2020, các đợt bùng phát dịch khiến 159 công ty kinh doanh lữ hành quốc tế và 8 công ty kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa tại Hà Nội xin rút giấy phép hoạt động kinh doanh; khoảng 90% số doanh nghiệp lữ hành đóng cửa, tạm dừng hoạt động.
Năm 2021, số doanh nghiệp rời bỏ ngành du lịch tiếp tục tăng lên. Theo số liệu mới nhất của Sở Du lịch Hà Nội, trong thời gian dịch bệnh Covid-19 cơ quan này đã thu hồi 469 giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành, trong đó có 439 giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế và 30 giấy phép kinh doanh lữ hành nội địa. Trên địa bàn còn 1.045 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế và 129 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa; tuy nhiên phần lớn đóng cửa, tạm dừng hoạt động trong các đợt bùng phát dịch.
Hoạt động lữ hành bị đình trệ khiến các điểm đến vắng khách, còn doanh nghiệp vận chuyển khách càng "điêu đứng". Hàng nghìn phương tiện vận chuyển tại Hà Nội đã tạm dừng hoạt động; công suất xe lưu hành trung bình dưới 10% và không hoạt động trong thời gian giãn cách. Hiện nay, các điểm đến di tích, văn hóa trên địa bàn Hà Nội vẫn tạm dừng hoạt động, chưa được mở cửa đón khách. Một số bảo tàng, công viên đã hoạt động trở lại nhưng chỉ sôi động dịp cuối tuần.
Đại dịch Covid-19 cũng gây thiệt hại lớn cho lĩnh vực lưu trú tại Hà Nội. Công suất sử dụng phòng trung bình khối khách sạn 1-5 sao năm 2021 ước đạt khoảng 22,9%, giảm 7% so với cùng kỳ năm 2020. Trong 2 đợt bùng phát dịch đã có khoảng 1.550 trên tổng số 3.725 cơ sở lưu trú ở Hà Nội tạm dừng hoạt động hoặc chuyển đổi ngành nghề.
Lao động tạm thời không có việc làm khoảng 21.500 người, chiếm 34% tổng số lao động phục vụ trong khối cơ sở lưu trú. Số lao động làm việc cầm chừng, bán thời gian ước khoảng 13.400 lao động, chiếm 21,2%. Số lao động nghỉ việc, chấm dứt hợp đồng lao động ước khoảng 11.600 lao động, chiếm 18,3%. Số làm việc đủ thời gian ước khoảng 16.800 lao động, chiếm 26,7% tổng số lao động trong khối lưu trú du lịch trên địa bàn Hà Nội.
Cần tiếp sức cho ngành du lịch
Theo báo cáo của Sở Du lịch Hà Nội, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch đang là nhóm đối tượng khó tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, như: gói tài khóa giãn, hoãn thuế, tiền thuê đất, các nguồn vốn vay ưu đãi, các gói hỗ trợ bảo hiểm xã hội... Các doanh nghiệp lữ hành gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn vay lãi suất thấp do các đơn vị thường không có tài sản đảm bảo, do đó thuộc nhóm các đối tượng có rủi ro cao.
Với các đơn vị cơ sở lưu trú, hiện nay đã được áp dụng mức giá bán lẻ điện kinh doanh ngang bằng với mức giá bán lẻ điện sản xuất đến từ tháng 6/2021 đến tháng 12/2021. Tuy nhiên dịch COVID-19 được dự báo sẽ kéo dài, thời gian hồi phục ngành du lịch, đặc biệt là khối cơ sở lưu trú sẽ phải kéo dài sau năm 2022, do đó các doanh nghiệp kinh doanh cơ sở lưu trú mong muốn được áp dụng giá điện kinh doanh bằng giá điện sản xuất lâu dài, nhằm có thời gian để phục hồi hoạt động kinh doanh.
Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, trên cơ sở đó, UBND các tỉnh, thành phố trên cả nước cũng đã ban hành kế hoạch quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”. Tuy nhiên việc thực hiện quy định về xét nghiệm, cách ly, vận chuyển chưa thống nhất, đồng bộ; gây khó khăn cho ngành du lịch khai thông hành lang du lịch an toàn giữa Hà Nội và các địa phương./.