Ông Trần Du Lịch - thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho rằng cần xem lại thực chất các ngành có chuyển hướng quan điểm chống dịch sang thích ứng an toàn, sống chung với dịch COVID-19 hay không. Để giải quyết vấn đề này thì cần giải tỏa tâm lý sợ hãi, thực hiện chủ trương chống dịch xuyên suốt, nhất quán trên tất cả các lĩnh vực.
Một vấn đề quan trọng để mở cửa du lịch là mở cửa hàng không. Ông Trần Du Lịch cho rằng hàng không và du lịch luôn song hành nên không thể mở cửa nửa vời, tức là muốn phục hồi du lịch thì không thể sợ hãi trong việc mở cửa hàng không, mở đường bay thẳng quốc tế.
Theo bà Nguyễn Thị Ánh Hoa - Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, một khó khăn của ngành du lịch sau dịch bệnh là tâm lý của khách hàng đã bị ảnh hưởng. Ngay cả những người làm du lịch cũng có tâm lý e dè khi nhiều khu du lịch chưa mở cửa trở lại, cũng như khả năng lại đóng cửa khi xảy ra dịch bệnh.
Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 128 nhưng nhiều địa phương còn có quy định khác nhau, ảnh hưởng đến kế hoạch tổ chức tour của các doanh nghiệp. Hay quy trình xử lý F0 của các địa phương cũng khác nhau, có thể khiến khách hàng mất niềm tin khi doanh nghiệp không thực hiện đúng hợp đồng đã ký kết. Vì vậy, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa đề nghị các địa phương nghiên cứu tổ chức chống dịch một cách đồng bộ theo Nghị quyết 128 của Chính phủ.
Đồng thời, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa đề nghị Tổng cục Du lịch có hướng dẫn chung về xử lý ca F0 để không ảnh hưởng đến các du khách còn lại trong đoàn; đồng thời có thêm cơ chế, chính sách hỗ trợ ngành du lịch phục hồi.
"Hơn lúc nào hết, chúng tôi cần thêm những cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư để khuyến khích các doanh nghiệp quan tâm phát triển các sản phẩm du lịch. Từ Trung ương nếu có chính sách làm nòng cốt thì việc triển khai ở các địa phương sẽ thuận lợi hơn rất nhiều, như ưu đãi về thuế hay chính sách ưu đãi về đất" - bà Nguyễn Thị Ánh Hoa nói./.